Hà Nội điều chuyển tuyến vận tải liên tỉnh - Bài 3: Cách nào hài hòa lợi ích các bên?

15:13' - 27/08/2016
BNEWS Để giải được bài toán điều chuyển các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đạt các mục tiêu đề ra là vấn đề không đơn giản cần được tính toán một cách khoa học và hài hòa lợi ích.

Trước những bất cập nảy sinh sau giải tỏa bến Lương Yên cũng như phương án tiếp tục điều chuyển xe từ bến Mỹ Đình sang bến Nước Ngầm theo đúng quy hoạch Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đưa ra mới đây đang vấp phải nhiều luồng dư luận trái chiều.

Để giải được bài toán điều chuyển các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đạt các mục tiêu đề ra là vấn đề không đơn giản. Ảnh: Thế Duyệt–TTXVN

Làm thế nào để việc điều chuyển đảm bảo hợp lý, khoa học mang tính bền vững vừa giải quyết bài toán ùn tắc giao thông cho Thủ đô, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải hoạt động, thuận lợi cho người dân đang được các cơ quan quản lý Nhà nước tính toán, triển khai.

* Phương án chưa được chấp thuận

Ngày 23/5/2016, Bộ Giao thông Vận tải đã nhận được báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng năm 2030 đối với việc chuyển từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm ở các tuyến vận tải hành khách cố định từ thành phố Hà Nội đi các tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đắk Lắk.
Các tuyến này có đầu tuyến từ bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) đi các bến xe thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đắk Lắk thuộc danh mục tuyến vận tải khách liên tỉnh nằm trong Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt và đang được doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác ổn định nhiều năm nay.

Phương án điều chuyển các tuyến vận tải liên tỉnh chạy các tỉnh phía Nam từ bến xe Mỹ Đình về bến Nước Ngầm được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đưa ra lấy ý kiến đã khiến các doanh nghiệp vận tải trong diện điều chuyển như “ngồi trên đống lửa”.
Ngày 17/8, trả lời phóng viên TTXVN xung quanh những vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch chi tiết nêu trên sẽ có tác động ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vận tải đang khai thác trên tuyến xuất phát từ bến xe Mỹ Đình.

Do vậy, sau khi nhận được báo cáo đề nghị điều chỉnh Quy hoạch chi tiết của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu, tổng hợp ý kiến của các Sở Giao thông Vận tải liên quan và các Hiệp hội để có đề xuất phù hợp với tình hình tổ chức giao thông của địa phương.

Cho đến thời điểm hiện tại, ngày 15/8/2016, Bộ Giao thông Vận tải và thành phố Hà Nội vẫn chưa có quyết định chính thức về việc điều chỉnh Quy hoạch chi tiết. Và Bộ cũng chưa nhận được ý kiến phản hồi của UBND thành phố Hà Nội về vấn đề trên.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết thêm, trong trường hợp thực sự phải điều chỉnh vì lý do tổ chức giao thông, tổ chức vận tải trên địa bàn thành phố nhằm thực hiện quy hoạch chung của thành phố cũng như quy hoạch các bến xe để giảm ùn tắc giao thông, khi có ý kiến của UBND thành phố Hà Nội thì Bộ Giao thông Vận tải sẽ đồng thuận với đề xuất của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (Việc điều chỉnh Quy hoạch chi tiết là phù hợp theo quy định).

Còn đối với vấn đề quyền lợi của các doanh nghiệp, hợp tác xã đang khai thác trên tuyến chưa nằm trong quy hoạch mạng lưới tuyến được cơ quan có thẩm quyền công bố có quyền tiếp tục khai thác theo phương án đã đăng ký trong thời gian không quá 24 tháng, kể từ ngày Quy hoạch chi tiết có hiệu lực (Quyền lợi này đã được quy định rõ ràng và doanh nghiệp, hợp tác xã đương nhiên được hưởng theo quy định hiện hành).

*Vì mục tiêu chống ùn tắc

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, việc rà soát lại hành trình để bố trí hợp lý, khoa học, giảm các tuyến vận tải liên tỉnh đi xuyên tâm, tuyến có lưu lượng giao thông cao là một trong những giải pháp được thành phố Hà Nội đưa ra để giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc. Ảnh: Huy Hùng–TTXVN

Theo đó, đối với các tuyến chỉ đi qua địa bàn Hà Nội thuộc thẩm quyền của các tỉnh, thành phố có điểm đầu, điểm cuối của xe xuất phát, để giảm tần suất hoạt động đối với các tuyến đi trên đường vành đai 3, UBND thành phố chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải thực hiện điều chỉnh lịch trình xe khách liên tỉnh đi qua cung đường này (Đường vành đai 3 trên cao – Cầu vượt Mai Dịch – đường Phạm Hùng – cầu Thăng Long – đường Võ Văn Kiệt) chuyển sang đi theo hướng cầu Thanh Trì – Quốc lộ 5 – Cầu Đông Trù – Quốc lộ 5 kéo dài – đường Võ Văn Kiệt.
Còn những tuyến đi đến Hà Nội thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Hà Nội thì theo Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tại Quyết định số 2288/QĐ-BGTVT. Cụ thể, các hướng tuyến đi từ 5 bến xe Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Nước Ngầm, Yên Nghĩa kết nối với các bến xe của 42 tỉnh, thành phố không có tuyến nào đi xuyên tâm, chỉ có một số tuyến đi trên đường tập trung lưu lượng giao thông lớn và có nhiều tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đi qua, cụ thể là tuyến đường vành đai 3.

Theo ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Vận tải (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội), trước đây, khi lưu lượng phương tiện trên đường vành đai 3 chưa cao thì việc sắp xếp, bố trí các tuyến như trên là phù hợp.

Nhưng đến nay, khi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến này tăng cao thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải thực hiện việc rà soát và sắp xếp lại một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đảm bảo hợp lý, khoa học, đúng quy hoạch các luồng tuyến vận tải hành khách liên, hạn chế đi vào tuyến có lưu lượng phương tiện giao thông lớn.

Ngoài phương án điều chuyển một số tuyến từ các tỉnh phía Nam từ bến xe Mỹ Đình điều chuyển về bến xe Nước Ngầm, thành phố Hà Nội cũng giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp các đơn vị chức năng tiếp tục rà soát các tuyến vận tải khác, đặc biệt là các tuyến có giờ xuất bến trong thời gian cao điểm để tiếp tục triển khai việc điều chuyển các tuyến trong thời gian tới, đảm bảo đúng các tiêu chí đã nêu trên góp phần giảm ùn tắc giao thông cho thành phố Hà Nội.

*Cần giải pháp mang tính bền vững

Ghi nhận từ các nhà xe và hành khách thuộc các tuyến nằm trong phương án điều chuyển một số tuyến các tỉnh phía Nam từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm đều bày tỏ mong muốn được tiếp tục hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, do nhu cầu đi lại của người dân tại bến này rất lớn.
“Nếu chuyển tuyến Nghệ An xuống bến xe Nước Ngầm sẽ bất cập cho hành khách mà nhà xe cũng vất vả. Lượng hành khách Nghệ An, Hà Tĩnh ở bến xe Mỹ Đình rất nhiều, nếu phải đi xe buýt xuống bến Nước Ngầm hoặc dùng các phương tiện khác để di chuyển sẽ tốn kém, vất vả cho người dân” - anh Hồ Đức Quảng lái xe của nhà xe Nguyên Oanh chia sẻ.
Hành khách Nguyễn Công Thịnh, ở trường Múa Việt Nam thì cho biết, bắt xe về Vinh thì đến bến xe Mỹ Đình là tiện nhất, chỉ mất 200.000 đồng tiền vé thêm 20.000 đồng tiền xe ôm nữa.

Nếu xe này chuyển về bến Nước Ngầm phải đi thêm một chặng xe buýt hoặc xe ôm, thời gian và chi phí sẽ phải tăng lên nhiều.
Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có công văn đề xuất chưa thực hiện việc điều chuyển các phương tiện hoạt động trên tuyến vận tải hành khách từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm vào lúc này vì chưa đảm bảo tính pháp lý, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị vận tải và nhu cầu đi lại của người dân.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp vận tải chạy tuyến Nghệ An đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để thay mới phương tiện, nâng cao chất lượng phục vụ và đã xây dựng được thương hiệu nếu phải điều chuyển sẽ ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại của doanh nghiệp.
Hiện nay trong 5 bến xe của Hà Nội là Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Nước Ngầm, Yên Nghĩa đang tồn tại tình trạng mất cân đối trầm trọng về lượng khách cũng như mật độ luồng tuyến, phương tiện khai thác.

Trong khi ba bến cũ Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, lượng hành khách và nhu cầu khai thác luôn dồi dào thì hai bến mới Nước Ngầm, Yên Nghĩa trong tình trạng dư thừa công suất phục vụ nhưng vắng khách.
Để giải được bài toán điều chuyển các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đạt các mục tiêu đề ra là vấn đề không đơn giản cần được các cơ quan quản lý Nhà nước tính toán một cách khoa học và hài hòa lợi ích.

Nếu không giải quyết tốt vấn đề cung – cầu trong vận tải hành khách liên tỉnh trên địa bàn Hà Nội sẽ làm phát sinh hàng loạt bất cập như xe dù, “bến cóc”, làm tăng chi phí đi lại của người dân cũng như phát sinh các chi phí xã hội khác và những hệ lụy kèm theo./.

Xem lại bài 1, 2:

Hà Nội điều chuyển tuyến vận tải liên tỉnh- Bài 1: Doanh nghiệp loay hoay hút khách

Hà Nội điều chuyển tuyến vận tải liên tỉnh - Bài 2: Xử lý xe dù phải giải quyết tận gốc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục