Hà Nội phát triển các mô hình kiếm soát thực phẩm

09:06' - 25/04/2018
BNEWS Với sự phát triển phong phú, đa dạng nhưng thiếu kiểm soát, thị trường thực phẩm, dịch vụ ăn uống ở Hà Nội vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để ngăn chặn ngộ độc thực phẩm và nguy cơ bệnh tật do thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, nhiễm hóa chất, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm như: tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm; xây dựng chuỗi liên kết an toàn thực phẩm; mô hình quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành.

Bước đầu các mô hình này đã phát huy hiệu quả, góp phần cung cấp thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng.

Hà Nội đã và đang triển khai nhiều mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm. Ảnh: TTXVN

*Nhân rộng tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, hiện nay, Hà Nội có khoảng 65.000 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; trong đó, có khoảng 5.150 cơ sở dịch vụ thức ăn đường phố. Bên cạnh những ưu điểm, việc chấp hành quy định an toàn vệ sinh thực phẩm của loại hình dịch vụ này cũng còn nhiều tồn tại.
Để nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố, tháng 12/2017, mô hình “Tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm” được tổ chức tại phường Thượng Đình thuộc quận Thanh Xuân với 27 cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố phát triển tự phát, không chú trọng nhiều đến nguồn gốc thực phẩm.
Sau khi triển khai mô hình “Tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm” ở đây đã tạo chuyển biến tích cực. Mỗi nhà hàng, cửa hàng ăn uống đều được niêm yết công khai tấm biển "nhà hàng, cửa hàng kiểm soát an toàn thực phẩm" và công khai danh mục nguồn gốc nguyên liệu. Đặc biệt, tất cả các cơ sở ăn uống tại tuyến phố điểm này được lực lượng chức năng của quận và phường sở tại tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ 2 lần/tuần/cơ sở.
Để triển khai thành công mô hình "Tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm", phường Thượng Đình đã tổ chức các hoạt động cụ thể, bài bản để đưa các hộ kinh doanh vào nền nếp, bao gồm kiểm tra sức khỏe, tập huấn 10 tiêu chí an toàn thực phẩm, 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm, hướng dẫn các cơ sở khắc phục điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, cung cấp thông tin địa chỉ các đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch để họ lựa chọn…
Từ mô hình này, 2 năm tới quận Thanh Xuân sẽ mở rộng ra 11 tuyến phố tại 11 phường được kiểm soát an toàn thực phẩm. Không riêng tại quận Thanh Xuân, hiện nay nhiều mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm đã được triển khai tại các quận như Thanh Xuân, Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàng Mai…
Theo ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trên cơ sở thí điểm, thành phố sẽ tiếp tục quy hoạch thêm các tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát, kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả những mô hình tuyến phố kiểm soát an toàn thưc phẩm cần ý thức, trách nhiệm của cả ba bên, gồm cơ quan quản lý, hộ kinh doanh, người tiêu dùng. Trong đó, cơ quan quản lý phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tăng cường thanh kiểm tra, xử nghiêm vi phạm…
*Xây dựng chuỗi liên kết an toàn thực phẩm
Nhằm cung cấp tới tay người tiêu dùng những thực phẩm sạch, an toàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đã lên kế hoạch tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết an toàn thực phẩm có chứng nhận VietGAP, HACCP, GMP…, khuyến khích sản xuất theo hướng hữu cơ và an toàn sinh học.

Hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm” trong tháng 4 và 5/2018 Sở Y tế Hà Nội phối hợp với đoàn công tác liên ngành tổ chức giám sát, kiểm tra toàn diện công tác ATTP các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố. Ảnh: TTXVN

Theo đó, việc phát triển ứng dụng phần mềm hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy suất nguồn gốc đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ được triển khai tập trung tại các hợp tác xã, trang trại, siêu thị, chợ đầu mối… phấn đấu đến năm 2020, 100% chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố ứng dụng mã QR truy suất nguồn gốc, minh bạch thông tin thực phẩm đến người tiêu dùng.

Bên cạnh đó cũng tăng tỷ lệ truy suất nguồn gốc ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, chợ bán lẻ đạt từ 30 - 50%.
Theo ngành chức năng, để thúc đẩy sản xuất theo chuỗi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần sớm ban hành cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết an toàn thực phẩm.

Các chính sách tập trung đều ở các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến và thương mại, tiêu thụ sản phẩm… đồng thời thành phố cũng cần tiếp tục duy trì, xây dựng và phát triển bộ mã QR Code để thực hiện minh bạch thông tin điện tử nông sản, bao gồm cả sản phẩm từ các tỉnh đưa về Hà Nội.
Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây tại các quận nội thành” cũng đã đạt kết quả bước đầu. Sau 6 tháng triển khai, đến nay, Hà Nội đã cấp phép biển nhận diện trái cây sạch cho 520 cơ sở/941 cơ sở kinh doanh trái cây trên địa bàn.
Do người tiêu dùng vẫn giữ thói quen tiện đâu mua đấy, chưa chú trọng đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm trái cây nên ở Hà Nội vẫn tồn tại các địa điểm kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè, không có trang thiết bị bảo quản trái cây, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng trái cây không bảo đảm.

Việc triển khai đề án đã cung cấp cho người dân địa chỉ tin cậy để lựa chọn trái cây sạch cho gia đình, đồng thời doanh thu của các cửa hàng triển khai mô hình này cũng được nâng lên.
Tuy nhiên, theo Sở Công Thương Hà Nội, việc triển khai đề án vẫn gặp khó khăn do thói quen tiện đâu mua đấy của người tiêu dùng; một số văn bản quy phạm pháp luật còn chưa cụ thể, rõ ràng gây khó khăn trong xử lý vi phạm, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc trái cây.

Nhận thức của một số hộ kinh doanh trái cây nhỏ lẻ còn hạn chế nên chưa phối hợp kịp thời với lực lượng chức năng trong hoàn thiện các thủ tục cũng như điều kiện thực tế để được cấp các loại giấy tờ về an toàn thực phẩm, cấp biển nhận diện…

Một số hộ kinh doanh trái cây ở các chợ đầu mối không có hồ sơ, giấy tờ về nguồn gốc trái cây dẫn đến các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn các quận khi mua trái cây tại chợ đầu mối về bán cũng không có giấy tờ về nguồn gốc.
Để tháo gỡ những khó khăn, đưa đề án đi vào cuộc sống, Sở Công Thương đề nghị các quận đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về đề án và chỉ đạo đơn vị chức năng, các phường hỗ trợ tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị, hộ kinh doanh được cấp đăng ký kinh doanh và các loại giấy tờ về an toàn thực phẩm…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục