Hà Nội tháo dỡ bảng quảng cáo vi phạm trước 3/9/2016

11:07' - 23/08/2016
BNEWS Toàn bộ bảng quảng cáo vi phạm phải tháo dỡ trước ngày 3/9 (một tháng sau chỉ thị của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội), doanh nghiệp không thực hiện sẽ bị xử lý kiên quyết.

Đây là những biện pháp mạnh của Hà Nội nhằm lập lại trật tự trong hoạt động quảng cáo.

Đến thời điểm này, khi thời hạn xử lý vi phạm sắp hết, các quận, huyện của Hà Nội đang ráo riết chạy đua với thời gian.

Những biển hiệu quảng cáo xung quanh khu vực Hồ Gươm. Ảnh minh họa: Nhật Anh-TTXVN

* Vi phạm tràn lan và dai dẳng

Biển quảng cáo vi phạm bị coi là “rác trời”, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có tới 190 bảng quảng cáo đứng độc lập dựng trái phép và 149 hộp đèn quảng cáo đứng độc lập trên dải phân cách không được chấp thuận của cơ quan quản lý.

Trong đó “điểm nóng” phải kể tới đường cao tốc Thăng Long – Nội Bài thuộc huyện Sóc Sơn với 68 bảng quảng cáo vi phạm.

Tiếp đến là quận Nam Từ Liêm 25 bảng, 1 hộp đèn; quận Cầu Giấy 23 bảng, 1 hộp đèn; quận Tây Hồ 21 bảng, 5 hộp đèn; quận Ba Đình 13 bảng, 16 hộp đèn; quận Hoàng Mai 1 bảng, 27 hộp đèn…

Những địa điểm có nhiều biển quảng cáo vi phạm như, tại vỉa hè cạnh tường rào chợ Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) có tới 5 bảng quảng cáo vi phạm, tại Trung tâm thể dục thể thao quận Tây Hồ có 3 bảng, bãi đỗ xe Ngọc Khánh (quận Ba Đình) có 3 bảng, tại bãi đỗ xe Kim Liên (quận Đống Đa) có 2 bảng…
Mặc dù, các bảng và hộp đèn quảng cáo vi phạm đều được các quận, huyện xác định vi phạm, có bảng tồn tại nhiều năm nhưng vấn đề đặt ra, một bảng quảng cáo có quy mô, kích thước lớn như vậy, việc xây dựng lẽ nào chính quyền địa phương không biết?

Không chỉ vi phạm Luật Quảng cáo, các bảng quảng cáo này còn vi phạm cả Luật Xây dựng, Luật Đất đai và chính sách thuế.

Nhưng đáng nói, tại nhiều quận huyện, trên các bảng quảng cáo vi phạm này còn được trưng dụng để tuyên truyền nhiệm vụ chính trị cho địa phương đó.

Thậm chí trên một bảng, một mặt quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, một mặt tuyên truyền cho nhiệm vụ chính trị.

Thời gian qua, Thanh tra văn hóa Hà Nội cùng các cơ quan liên quan đã nhiều lần xử phạt các tổ chức, cá nhân có biển quảng cáo vi phạm, yêu cầu tháo dỡ nhưng xem ra doanh nghiệp vẫn bị “nhờn thuốc”.

Điều đó có thể lý giải, do lợi nhuận lợi lớn doanh nghiệp thu lại từ việc quảng cáo và cũng do trước đó nhiều cơ quan cùng quản lý hoạt động quảng cáo tấm lớn.

Vì thế, mặc dù bị nhắc nhở, xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu tháo dỡ nhưng doanh nghiệp quảng cáo vẫn tái diễn vi phạm. Trong khi đó, chính quyền địa phương chưa kiên quyết xử lý.

Điển hình như bảng quảng cáo tại vỉa hè đường Phạm Hùng, cạnh siêu thị nội thất Phố Xinh quận Cầu Giấy bị yêu cầu tháo dỡ trước ngày 2/9/2015 nhưng đến nay vẫn còn tồn tại.

* Kiến quyết xử lý vi phạm

Với quyết tâm xử lý quảng cáo vi phạm trên toàn địa bàn thành phố, trong đợt ra quân lần này, thành phố Hà Nội yêu cầu tháo dỡ hoàn toàn các công trình (khung, bảng, cột) quảng cáo vi phạm, trả lại mặt bằng nguyên trạng ban đầu.

Mặc dù có ý kiến cho rằng việc phá dỡ toàn bộ biển quảng cáo vi phạm sẽ gây lãng phí, ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhưng quan điểm nhất quán của thành phố là đã sai thì phải xử lý, không nương nhẹ bất kỳ một trường hợp nào.

Hà Nội siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo. Ảnh minh họa: Hoàng Hải-TTXVN

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, cơ quan này cũng không hợp lý hóa bất kỳ một bảng quảng cáo nào, cho dù bảng đó có thể ở địa điểm nằm trong quy hoạch sắp tới của thành phố.

Hiện nay, một số quận, huyện cũng đề xuất Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội giải quyết hài hòa với những biển quảng cáo thuộc diện đó.

Cơ quan này khẳng định, doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm chỉ thị của thành phố, phải tháo dỡ toàn bộ bảng vi phạm.

Nếu vị trí đó được quy hoạch, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đầu tư từ đầu khi muốn dựng bảng quảng cáo.

Hơn nữa, ngân sách nhà nước không chi cho việc tháo dỡ biển quảng cáo vi phạm mà chi phí do chính doanh nghiệp phải chịu.

Trong thời gian đầu, doanh nghiệp phải tự tháo dỡ. Khi doanh nghiêp không chấp hành, chính quyền địa phương sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế và chi phí này doanh nghiệp phải chi trả.

Nặng hơn, các cơ quan chức năng sẽ có những hình thức củng cố hồ sơ để xem xét xử lý ở mức độ cao hơn, có thể sẽ kiến nghị với thành phố từ chối hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn.

Đến thời điểm hiện tại, khi mà thời hạn hoàn thành xử lý bảng quảng cáo vi phạm sắp đến gần nhưng việc tháo dỡ tại các địa phương chưa được nhiều.

Đến ngày 19/8, tại quận Cầu Giấy mới có 3 bảng quảng cáo được các doanh nghiệp tự tháo dỡ (cả khung, bảng, cột) gồm: 1 bảng ở chợ đầu mối nông sản Dịch Vọng Hậu, 1 bảng ở khu vực chùa Hà và 1 bảng ở nhà văn hóa phường Mai Dịch.

Tại quận Ba Đình cũng có ít nhất 3 bảng quảng cáo được tháo dỡ, quận Tây Hồ chưa có bảng nào được tháo dỡ…

Ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết: Quận yêu cầu các phường lập biên bản áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các doanh nghiệp quảng cáo, buộc phải tháo dỡ trước ngày 31/8.

Doanh nghiệp không chấp hành thì ngày 1/9, quận sẽ tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ đồng loạt, đồng thời sẽ kiến nghị với thành phố không cấp phép hoạt động quảng cáo đối với những doanh nghiệp cố tình chây ỳ.

Theo nhận định của cơ quan quản lý văn hóa, các doanh nghiệp hoạt động quảng cáo đều nắm được chủ trương, kế hoạch của thành phố.

Tuy vậy, ý thức chấp hành của các doanh nghiệp này chưa tốt.

Họ vẫn “chờ” để nghe ngóng thái độ của các cơ quan chức năng nhưng nếu có biện pháp mạnh chắc chắn công tác xử lý vi phạm sẽ đạt hiệu quả cao hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục