Hải Dương đối thoại với người dân về việc doanh nghiệp dệt xả thải gây ô nhiễm môi trường

20:01' - 25/05/2017
BNEWS Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với công dân xã Lai Vu về nội dung xử lý ô nhiễm môi trường do Công ty dệt Pacific Crystal gây ra trong thời gian vừa qua.
Người dân xã Lai Vu phát biểu ý kiến tại cuộc đối thoại. Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN

Ngày 25/5, tại xã Lai Vu (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương), Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với công dân xã Lai Vu về nội dung xử lý ô nhiễm môi trường do Công ty dệt Pacific Crystal gây ra trong thời gian vừa qua.

Tại cuộc đối thoại, đã có gần 20 lượt ý kiến phát biểu liên quan đến hai nhóm vấn đề chính là bồi thường đất bị thu hồi khi triển khai dự án khu công nghiệp và vấn đề môi trường.
Liên quan đến việc xả thải của Công ty Pacific Crystal gây ô nhiễm môi trường, ông Bùi Huy Tôn (xã Lai Vũ) đề nghị làm rõ mức độ vi phạm của công ty và nêu câu hỏi về "số tiền hai lần xử phạt doanh nghiệp được chuyển đi đâu?".

Ông Bùi Văn Thanh (xã Lai Vu) kiến nghị tỉnh Hải Dương phải xây dựng nhà máy xử lý nước thải trước khi kêu gọi thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp để khi doanh nghiệp vào sản xuất mới đảm bảo môi trường...
Trả lời ý kiến người dân, ông Tạ Hồng Minh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương cho biết: Công ty Pacific Crystal đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định 1971 ngày 7/8/2015. Hiện nay công ty đang hoạt động ở giai đoạn 1A và đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải giai đoạn 1A có công suất thiết kế 4.500m3/ngày đêm, quy trình xử lý đảm bảo yêu cầu như báo cáo.

Giai đoạn này, hoạt động sản xuất phát sinh khoảng 2.500m3 nước thải/ngày đêm nên hệ thống đảm bảo công suất và khả năng xử lý. Về việc xảy ra sự cố ngày 24/12/2016 được người dân phát hiện và thông tin, Chi cục Bảo vệ môi trường phối hợp liên ngành đã kiểm tra, xác nhận việc xả thải chưa qua hệ thống xử lý, nguyên nhân do công ty gặp sự cố vận hành xử lý nước thải.

 Ông Hoàng Văn Vy, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát biểu. Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN

Đoàn công tác đã kết luận có 5 thông số vượt quá quy chuẩn cho phép. Ngày 21/2/2017, đoàn kiểm tra của Tổng cục Môi trường đã kiểm tra và yêu cầu công ty phải khắc phục sau đó mới cấp giấy phép xác nhận nhưng đến ngày 31/3/2017 doanh nghiệp không hoàn thành nội dung này.

Đoàn thanh tra đã đề nghị Tổng cục Môi trường xử phạt vi phạm hành chính khi không có giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường giai đoạn vận hành với số tiền 340 triệu đồng. Năm 2016 đã thực hiện quan trắc môi trường 4 lần, năm 2017 đã thực hiện 1 lần. Về hiện trạng môi trường nước sông Rạng, trên hệ thống sông này có 4 trạm cung cấp nước sạch ở thượng nguồn và được kiểm tra thường xuyên, đến nay chưa có số liệu nào cho thấy ô nhiễm.
Đại diện đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường có mặt dự cuộc đối thoại, ông Hoàng Văn Vy - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát môi trường khẳng định: Tất cả các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trước khi được cấp phép đầu tư đều đã có các nhà khoa học thẩm định về công nghệ sản xuất, xử lý nước thải để đảm bảo đi vào hoạt động sẽ an toàn cho môi trường.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái phát biểu tại cuộc đối thoại với nhân dân xã Lai Vu. Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN

Bộ cũng đã yêu cầu bổ sung một số nội dung về môi trường đối với công ty như: xây thêm hồ kiểm chứng ứng phó sự cố, nước thải công ty xử lý đạt loại A nhưng vẫn phải đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải của Khu công nghiệp Lai Vu để kiểm soát lần cuối trước khi xả ra ngoài; lắp hệ thống quan trắc tự động kết nối 24/24h với Sở Tài nguyên và Môi trường; sau sự cố, yêu cầu công ty chỉ hoạt động 50% công suất. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của công ty.
Ông Nguyễn Dương Thái - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã tiếp thu toàn bộ các ý kiến của người dân. Với nội dung bà con nêu về đền bù giải phóng đất bị thu hồi, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận, báo cáo Chính phủ.

Căn cứ kết luận đó, tỉnh Hải Dương đã triển khai, tuy nhiên còn một số công dân chưa đồng thuận. Tỉnh sẽ tiếp thu, báo cáo lên các Bộ, ngành có liên quan về những nội dung mà công dân có ý kiến.
Liên quan đến Công ty Pacific Crystal, ông Nguyễn Dương Thái khẳng định với người dân là doanh nghiệp sai và đã thừa nhận để xảy ra sai phạm, cơ quan quản lý có thiếu sót là chưa phát hiện kịp thời.

“Chúng tôi thấy có thiếu sót của các cơ quan của tỉnh trong giám sát, quản lý nên trong quá trình doanh nghiệp triển khai, có những việc đáng lẽ ra nếu sát sao hơn; mình có lực lượng, phương tiện để làm được liên tục, chặt chẽ, làm diện rộng thì sẽ đỡ. Cả tỉnh có hơn 11.000 doanh nghiệp nên có những việc anh em đi kiểm tra mà chưa hết được”, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng cam kết với người dân Lai Vu, nếu doanh nghiệp còn xảy ra vi phạm tiếp, tỉnh sẽ dứt khoát yêu cầu doanh nghiệp dừng hoạt động; đồng thời yêu cầu Công ty dệt Pacific Crystal chấp hành nghiêm kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó có nội dung lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương bày tỏ mong muốn nhân dân Lai Vu ủng hộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục, cử đại diện người dân tham gia vào các đoàn giám sát của tỉnh để kiểm tra việc khắc phục của công ty và việc vận hành thử./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục