Hải Dương: Tình trạng ô nhiễm môi trường tại huyện Kinh Môn

11:47' - 10/09/2016
BNEWS Từ ngày 3/9 đến nay, hàng chục người dân ở thị trấn Phú Thứ đã đem đất đá, dựng lều chặn cổng mọi hoạt động ra vào Công ty TNHH khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam.
Hải Dương: Cần thanh tra toàn diện tình trạng ô nhiễm môi trường ở Kinh Môn. Ảnh minh họa: TTXVN

Nguyên nhân được người dân cho biết là do doanh nghiệp này sản xuất gây ra mùi khó chịu, làm người dân quanh khu vực khó thở, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt.

Bà Nguyễn Thị Thúy, khu dân cư số 7, thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn cho biết: "Chúng tôi sinh sống xung quanh nhà máy chế biến khoáng sản này. Không biết Công ty sản xuất chất gì, nhưng mỗi khi hoạt động thì xả khói làm mọi người rất khó thở, tức ngực.

Nhiều gia đình có con nhỏ đã bị ngất khi ngửi phải mùi khói từ quá trình sản xuất của Công ty này thải ra. Chúng tôi cũng đã nhiều lần làm đơn kiến nghị nhưng vẫn chưa thấy trả lời".

Ngày 17/9/2013, Công ty TNHH khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam đã bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (Bộ Công an) phạt 270 triệu đồng về hành vi gây ô nhiễm môi trường và đã phải dừng hoạt động.

Vì chưa có báo cáo định kỳ phát sinh chất thải nguy hại; không lưu giữ chất thải nguy hải trước khi xử lý trong thiết bị chuyên dụng phù hợp với loại hình chất thải nguy hại; không có trang thiết bị phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; chưa thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ theo báo cáo đánh giá tác động môi trường; chưa đăng ký sổ chủ nguồn chất thải nguy hại…

Nhưng đến ngày 13/8/2016, Công ty tiếp tục hoạt động. Quá bức xúc nên người dân đã đổ đá, dựng lều ngăn chặn, mục đích yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra làm rõ và trả lời người dân biết hoạt động của Công ty gây tổn hại đến sức khỏe của người dân như thế nào. Trước những bức xúc của người dân, chính quyền thị trấn Phú Thứ và huyện Kinh Môn đã khẩn trương vào cuộc.

Theo ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch thị trấn Phú Thứ: Sau khi nhận được đơn của người dân, UBND thị trấn Phú Thứ và Phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện đã cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương làm việc với Công ty TNHH khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Công ty báo cáo đã khắc phục những tồn tại khi hoạt động thử nghiệm xử lý chất thải ngành luyện kim vào năm 2013 và năm 2014, đã được Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cấp phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại.

Tuy vậy người dân phản ánh vẫn còn mùi khét, khó thở, tức ngực khi khói do nhà máy của Công ty bị gió thổi vào khu dân cư.

Tiếp đó, thị trấn Phú Thứ, các cơ quan chức năng của huyện Kinh Môn và Công ty TNHH khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam đã tổ chức đối thoại với dân, nhưng họ không đồng tình với những ý kiến do Công ty đưa ra.

Sự việc lên đến đỉnh điểm vào ngày 3/9 vừa qua, người dân đã tiến hành đổ đất, đá chặn cổng Công ty và dựng một số lều bạt trước cửa để phản đối nhà máy hoạt động.

Tối 6/9 đã xảy ra va chạm giữa lãnh đạo và nhân viên Công ty với người dân tại lều bạt làm bị thương một người già và một trẻ nhỏ, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Nhị Chiểu huyện Kinh Môn.

Ông Lê Văn Bí, Phó Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn cho biết: Trên địa bàn Kinh Môn nói chung và thị trấn Phú Thứ nói riêng, thời gian gần đây do hoạt động của các doanh nghiệp chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường làm người dân bức xúc.

Riêng ở thị trấn Phú Thứ có Công ty TNHH nhôm Tân Đông và Công ty Cổ phần luyện kim Tân Nguyên, Công ty xi măng Cường Thịnh hoạt động gây ô nhiễm môi trường; xe quá khổ, quá tải chạy trên các tuyến đường… khiến người dân bức xúc gửi đơn đến các cấp chính quyền. Hiện UBND huyện đang tập trung giải quyết.

Đối với Công ty TNHH khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam, UBND huyện đã thành lập Tổ công tác để kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, môi trường của Công ty này.

Huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vận động người dân chấp hành nghiêm các đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Ông Bí cũng cho biết thêm: Do nhiều nội dung vượt quá thẩm quyền của huyện và chưa có kết quả quan trắc, đánh giá hiệu quả xử lý môi trường của Công ty.

Do đó huyện cũng đã báo cáo lên UBND tỉnh Hải Dương và Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề nghị khẩn trương thanh tra toàn diện về xử lý chất thải nguy hại đối với Công ty TNHH khai thác chế biến xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam, để sớm có câu trả lời cho người dân.

Cũng trong ngày 8/9, UBND tỉnh Hải Dương đã Thông báo 139 về ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương đối với việc xử lý, giải quyết phản ánh của người dân.

Trong đó tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân hiểu rõ các quy định của pháp luật; hoạt động của Tổ giám sát cộng đồng để kịp thời phát hiện, xử lý các tình huống, sự cố vận hành, xử thải, vượt quy chuẩn cho phép gây ô nhiễm môi trường.

UBND tỉnh Hải Dương cũng đã có Công văn 2270 ngày 8/9 đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra, kiểm tra ngay trong tháng 9 đối với Công ty TNHH khai thác chế biến xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam.
Theo lãnh đạo huyện Kinh Môn, với diện tích khoảng 3.927 ha của 5 xã, thị trấn khu Nhị Chiểu có tới 8 nhà máy xi măng công suất trên 10 triệu tấn/năm và nhiều công ty, nhà máy sản xuất thép, luyện kim trong và ngoài 3 cụm công nghiệp liền kề trên địa bàn huyện Kinh Môn.

Nên nhiều năm nay khu vực này đã có dấu hiệu ô nhiễm môi trường như khói, bụi, khí thải, chất thải, tiếng ồn… ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng kỹ thuật và đời sống sinh hoạt của người dân trong vùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục