Hải Phòng còn hạn chế trong kết nối các phương thức vận tải

09:15' - 31/07/2018
BNEWS Thời gian qua, hệ thống giao thông tại Hải Phòng được đầu tư mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu kết nối với cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Bắc.

Tại cuộc thị sát và làm việc về phát triển, kết nối giao thông khu vực thành phố Hải Phòng mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, Hải Phòng là một trong số ít địa phương hiện có đủ 5 loại hình giao thông đồng bộ, hiện đại nhất miền Bắc.

Hệ thống giao thông tại Hải Phòng được đầu tư mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu kết nối với cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Bắc. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, về đường bộ, khu vực cảng Hải phòng gồm có 4 khu vực chính: khu Vật Cách - Thượng Lý; khu cảng Hoàng Diệu - Chùa Vẽ; khu Đông Hải - Đình Vũ - Bạch Đằng và cảng Lạch Huyện.

Giao thông đường bộ kết nối chủ yếu thông qua đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ (QL) 5 và QL10, gồm 3 hướng chính: Cảng Lạch Huyện - đường ô tô Tân Vũ Lạch Huyện - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; khu cảng Hoàng Diệu - Chùa Vẽ - Đình Vũ - đường vành đai 1- QL5, QL10; khu Vật Cách - Thượng Lý - đường vành đai 1- QL5, QL10.

Sắp tới, cầu Bạch Đằng hoàn thành thì luồng hàng từ Hải Phòng đi Quảng Ninh và ngược lại có thể vận chuyển thông qua tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - cầu Bạch Đằng - QL18.

Ngoài ra, một phần hàng hóa qua cảng được vận chuyển thông qua các tuyến đường tỉnh, đường bộ ven biển đoạn Hải Phòng - Thái Bình (đang xây dựng) để đến các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố và các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh.

Trong các tuyến vận tải trên thì quốc lộ 5 đoạn qua thành phố Hải Phòng mang tính chất đường đô thị, giao cắt hầu hết là cùng mức, mật độ giao thông lớn, luôn tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông.

Trong giai đoạn 2015- 2018 Hải Phòng đã đầu tư xây dựng 2 cầu vượt và đang triển khai xây dựng 1 cầu trên quốc lộ 5 để đảm bảo hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông tại 3 nút giao chính (Chùa Vẽ - Đình Vũ; Nguyễn Bỉnh Khiêm - Lê Hồng Phong và Nguyễn Văn Linh - Hồ Sen cầu Rào 2).

Quốc lộ 10 đoạn Quán Toan - cầu Nghìn đã được Bộ Giao thông Vận tải đầu tư theo hình thức BOT đạt tiêu chuẩn 4 làn xe.

Đối với đường sắt kết nối cảng biển Hải Phòng thông qua duy nhất có 1 tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội với 3 nhánh đường sắt chuyên dùng kết nối từ tuyến Hà Nội - Hải Phòng với các khu bến cảng dọc sông Cấm từ khu vực cảng Vật Cách đến cảng Chùa Vẽ...

Tuyến đường sắt hiện nay tại Hải Phòng được xây dựng từ lâu, đường đơn, khổ hẹp, thiếu các công trình phụ trợ hiện đại (hệ thống thông tin, cảnh giới, gác chắn) nên rất hạn chế khả năng khai thác và thường gây ùn tắc giao thông vào các giờ tàu chạy qua cắt các tuyến phố.

Lượng hàng hóa vận tải bằng đường sắt chiếm tỷ trọng thấp, thiếu cảng cạn và đầu mối vận chuyển bằng đường sắt.

Về các tuyến đường thủy nội địa kết nối khu vực cảng Hải Phòng gồm: tuyến Quảng Ninh - Hải Phòng - các tỉnh Tây Bắc; tuyến Hải Phòng - Hà Nội - Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) qua sông Đuống; tuyến Hải Phòng - Hà Nội qua sông Luộc; tuyến Hải Phòng - cảng Điền Công (Quảng Ninh).

Ngoài ra, còn một số tuyến sông phục vụ vận tải đường thủy nội địa cho khu vực thành phố như: hạ lưu sông Lạch Tray (từ ngã 3 sông đào Hạ Lý đến cửa Lạch Tray); hạ lưu sông Văn Úc (từ ngã 3 kênh Khê đến cửa Văn Úc); hạ lưu sông Thái Bình từ Quý Cao đến cửa sông Hóa, sông Tam Bạc, sông Thải.

Nhìn chung, mạng lưới đường thuỷ nội địa khu vực Hải Phòng, ngoài những đoạn đi chung với luồng biển (như các tuyến có đoạn qua Lạch Huyện, Bạch Đằng, sông Cấm) có độ sâu chạy tàu tốt, còn lại hầu hết các tuyến sông đều có hạn chế nhất định; trong đó, phải kể đến hạn chế về luồng lạch, lòng sông hẹp, luồng nông, nhiều đoạn cong gấp, nhiều ghềnh cạn ở vùng thượng lưu (sông Kinh Thầy, sông Kinh Môn, sông Phi Liệt, sông Hàn, sông Đá Bạch) và các bãi cạn vùng cửa sông (cửa Lạch Tray, cửa Văn Úc).

Một số sông chịu ảnh hưởng của dòng chảy lưu tốc hoặc thuỷ triều lên xuống (sông đào Hạ Lý, sông Lạch Tray, sông Kinh Thầy, sông Đá Bạch...). Một số tuyến sông bị hạn chế bởi tĩnh không cầu, cầu phao (sông đào Hạ Lý, sông Lạch Tray, sông Hoá, sông Thái Bình).

Thêm hạn chế khác, hiện nay, các cảng nội địa chưa được quy hoạch đồng bộ, còn thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ xếp dỡ ở trình độ thấp. Cùng với đó, quản lý nhà nước về luồng lạch, bến bãi, bến đò ngang còn chưa quan tâm đúng mức hoặc chồng chéo.

Để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông vận tải của Hải Phòng giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cũng đã đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, cho phép Hải Phòng đầu tư tuyến đường sắt khổ 1.435 mm, điện khí hóa tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng tới Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng;

Cùng với đó, nâng cấp đường sắt Hà Nội - Hải Phòng; nâng cấp tuyến đường thủy nội địa Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình (qua sông Luộc); đầu tư cải tạo luồng sông Văn Úc nhằm khai thác tiềm năng ven sông và rút ngắn tuyến đường thủy nội địa khu vực Bắc bộ với Cảng quốc tế Hải Phòng.

Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải quan tâm, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các bến tiếp theo Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện; xây dựng hoàn chỉnh các công trình thuộc Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (bao gồm xây dựng đồng bộ hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay và nhà ga hành khách theo quy hoạch đã được phê duyệt để đảm bảo đến năm 2025 đạt công suất 8-10 triệu hành khách/năm);

Đầu tư mở rộng nâng cấp đoạn tuyến quốc lộ 10 (đoạn qua thành phố Hải Phòng) đạt tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng (đặc biệt, đoạn Uông Bí - Quán Toan); nghiên cứu quy hoạch chi tiết và đầu tư xây dựng Cảng Nam Đồ Sơn./.

Xem thêm:

>>>Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiểm tra việc khai thác, đầu tư xây dựng giao thông tại Hải Phòng

>>>Xử lý nghiêm xe khách dàn hàng ngang lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục