Hạn chế trong khai thác nguồn lực từ tài sản công

16:11' - 29/07/2016
BNEWS Việt Nam hiện chưa có một cơ sở dữ liệu thống nhất, đầy đủ và cập nhật về tài sản công, với tư cách là một nguồn lực quan trọng.
Thiếu cơ chế và dữ liệu thống nhất trong quản lý tài sản công. Ảnh: tạp chí tài chính

TS. Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, việc thiếu cơ chế và dữ liệu thống nhất sẽ khiến việc quyết định, chỉ đạo, điều hành và thực hiện khai thác nguồn lực thiếu chủ động, thiếu chiến lược và kế hoạch tổng thể, dẫn tới hiệu quả chưa cao. 

Tài sản công ở Việt Nam (gồm đất đai, tài nguyên thiên nhiên và tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý) có quy mô và giá trị rất lớn, là cơ sở để phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và là nguồn lực quan trọng của quốc gia.

Việc quản lý, khai thác gắn với cơ chế thị trường và huy động các nguồn lực của xã hội để cùng Nhà nước đầu tư, phát triển, khai thác tài sản công thời gian qua đã được thực hiện và đạt được kết quả quan trọng.

Theo cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước, tổng giá trị nhà, đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, phương tiện đi lại, tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên tính đến ngày 31/12/2015 là 1.031.313 tỷ đồng (khoảng 47 tỷ USD).

Trong đó, giá trị quyền sử dụng đất là 700.230 tỷ đồng (khoảng 31,8 tỷ USD) trên tổng số 131.431 cơ sở nhà đất với tổng diện tích đất là 2.565.511.489m2. 

Các cơ sở này thường ở các vị trí có giá trị thương mại cao nhưng việc sử dụng còn phân tán, lãng phí, hiệu suất thấp và chưa được khai thác một cách có hiệu quả. 

Việc quản lý tài sản công chưa có cơ chế và dữ liệu thống nhất. Ảnh: TTXVN

“Nhiều cơ sở nhà, đất mặc dù đã có quyết định bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không thực hiện được do thiếu quy hoạch chi tiết, thị trường bất động sản chưa ổn định, trách nhiệm tổ chức thực hiện không cao”. - ông Trần Đức Thắng cho biết thêm. 

Theo ông Trần Đức Thắng, việc xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp để đơn vị được phép sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết còn chậm (mới giao tài sản cho 723 đơn vị, với tổng giá trị 21.000 tỷ đồng).

Việc thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa xã hội chưa được quan tâm đúng mức.

Từ đó, vừa hạn chế việc khai thác nguồn lực hiện có từ tài sản, vừa hạn chế việc thu hút các nguồn lực của xã hội đầu tư cho các lĩnh vực này để mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.

Thực tế rất khó khăn, mà nguyên nhân theo ông Trần Đức Thắng do thiếu nguồn lực để làm công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để đấu giá.

Chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa cân đối với chính sách thu và nguồn lực của ngân sách khi thực hiện dự án phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, dự án xã hội hóa.

Ngoài ra, các nông, lâm trường đang quản lý diện tích đất khoảng 7.916.366ha nhưng phần lớn để hoang hóa, sử dụng lãng phí, không hiệu quả; trong khi người thực sự cần đất sản xuất thì phải đi thuê lại. 

Do vậy, theo TS Trần Đức Thắng giải pháp khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công là vấn đề rất quan trọng cần phải được nghiên cứu sâu để khai thác hiệu quả, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục