Hàn Quốc có thể sẽ duy trì vị trí nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam

13:26' - 09/05/2018
BNEWS Theo đại diện Bộ Công Thương, với lộ trình giảm thuế theo KVFTA và các chính sách ưu đãi mà Việt Nam đang áp dụng, Hàn Quốc có thể sẽ duy trì vị trí đứng đầu về đầu tư FDI trong nhiều năm tới.
Ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Công Thương và các đối tác Hàn Quốc về thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), ngày 9/5 tại Hà Nội, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) phối hợp với cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tổ chức hội thảo về “Tận dụng ưu đãi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cho hay, VKFTA có hiệu lực từ ngày 20/12/2015, với thời gian hiệu lực đã sang năm thứ 3. Hiệp định VKFTA đóng vai trò rất quan trọng thu hút đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, góp phần giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực.
“Việt Nam hiện là đối tác đầu tư ra nước ngoài lớn thứ tư của Hàn Quốc, trong khi, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 58 tỷ USD”, ông Hải chia sẻ.
Ông Park Chulho, Tổng giám đốc Văn phòng đại diện KOTRA tại Hà Nội chia sẻ, Chính phủ và doanh nghiệp Hàn Quốc đã có những chuẩn bị và cụ thể hóa cơ hội hết sức bài bản từ khi ký kết VKFTA với Việt Nam cuối năm 2015. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đã có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường. Hội thảo lần này sẽ là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp hai nước học hỏi kinh nghiệm và phát huy được những ưu đãi có được từ VKFTA. Đây sẽ là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy hơn nữa kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong thời gian tới.
Tại hội thảo, các diễn giả đến từ Hàn Quốc và Việt Nam đã trình bày nhiều tham luận quan trọng trong đó có báo cáo về nghiên cứu năng lực kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam; đưa ra phân tích so sánh về các mặt tích cực và các mặt còn hạn chế của hệ thống cấp Chứng nhận xuất xứ của Việt Nam và Hàn Quốc…
Theo đại diện Bộ Công Thương, với lộ trình giảm thuế theo cam kết của KVFTA và những chính sách ưu đãi mà Việt Nam đã và sẽ áp dụng, một số ngành như ngành năng lượng, nông nghiệp chất lượng cao, môi trường, công nghiệp chế tạo tại Việt Nam sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc và khả năng Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu về đầu tư FDI (đầu tư có vốn trực tiếp nước ngoài) trong nhiều năm tới.
Thương mại hai chiều Việt Nam - Hàn Quốc trong năm 2017 có nhiều yếu tố thuận lợi. Trong năm 2017, Hàn Quốc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư sang Việt Nam và tìm nguồn hàng nhập khẩu, gia công từ Việt Nam. Các tập đoàn phân phối bán lẻ và chế biến thực phẩm lớn của Hàn Quốc như Emart, Lotte, CJ đều đã có hiện diện tại Việt Nam và có bộ phận mua hàng thường trực tại Việt Nam nên các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận trực tiếp hơn đến các hệ thống phân phối bán lẻ của Hàn Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục