Hàn Quốc và Mỹ nhất trí tiếp tục triển khai vũ khí chiến lược tới Bán đảo Triều Tiên

11:21' - 18/01/2018
BNEWS Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí tiếp tục triển khai các vũ khí chiến lược của Mỹ tới Bán đảo Triều Tiên nhằm đối phó với mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Hàn Quốc và Mỹ nhất trí tiếp tục triển khai vũ khí chiến lược tới Bán đảo Triều Tiên. Ảnh minh họa: EPA

Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết hai bên đã đạt được thỏa thuận trên tại Hội nghị nhóm tư vấn chiến lược răn đe mở rộng (EDSCG) diễn ra ngày 17/1 tại thủ đô Washington (Mỹ) với sự tham gia của các quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao và Quốc phòng (2+2) hai nước.

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, tại hội nghị lần này, hai bên đã tái cam kết hiệp ước phòng thủ đối với Hàn Quốc đang được mở rộng và sử dụng mọi năng lực quân sự, đồng thời tiếp tục tái bố trí các phương tiện chiến tranh chiến lược của Mỹ tới Hàn Quốc và các khu vực lân cận nhằm đối phó trước mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Gần đây, Mỹ cũng đã tăng cường triển khai nhiều phương tiện chiến tranh chiến lược tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong đó có việc triển khai 6 máy bay ném bom tầm xa B-52 tới căn cứ quân sự đảo Guam, 3 máy bay ném bom hạng nặng B-2, điều hàng không mẫu hạm Carl Vinson (CVN 70) tới Tây Thái Bình Dương.

EDSCG là cơ chế được Mỹ và Hàn Quốc tiến hành bắt đầu từ năm 2016 với mục đích ngăn chặn mối uy hiếp hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Cơ chế này được Seoul và Washington thiết lập và diễn ra thường niên sau khi đạt thỏa thuận tại cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và người đồng cấp Mỹ Donald Trump vào tháng 6/2016.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Geneva, một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ngày 17/1 nhận định nguy cơ xung đột kinh tế-chính trị giữa các cường quốc, đặc biệt là chiến tranh Mỹ-Triều Tiên trong năm 2018 sẽ cao hơn so với năm 2017.

Báo cáo trên cho rằng quan điểm "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Donald Trump sẽ lan rộng sang các quốc gia khác trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Philippines và điều này sẽ làm gia tăng xung đột địa chính trị và xung đột quân sự giữa các quốc gia, kéo theo nguy cơ chiến tranh hạt nhân trong năm 2018 giữa Mỹ và Triều Tiên cũng sẽ tăng lên so với năm 2017./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục