Hàng chục dự án “đất vàng” ở Đắk Lắk vẫn đắp chiếu

19:07' - 18/12/2015
BNEWS Mặc dù nhiều năm đã trôi qua kể từ ngày khởi công nhưng hàng chục dự án trên các khu “đất vàng” ở tỉnh Đắk Lắk vẫn “đắp chiếu”, gây thất thu tiền thuê đất của Nhà nước, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Một trong số các khu đất vàng ở Đắk Lắk. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Nằm ngay ở khu “đất vàng”, trên đường Nguyễn Tất Thành, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, Dự án xây dựng Trung tâm văn hóa, thương mại, dịch vụ tổng hợp–Đắk Lắk Center đã “án binh bất động” từ nhiều năm nay.

Dự án này do Công ty cổ phần đầu tư Cao Nguyên làm chủ đầu tư, được UBND dân tỉnh Đắk Lắk cho thuê đất, theo Quyết định số 1914/QĐ-UBND ngày 21/8/2012, với diện tích 3.558m2. Theo thiết kế, dự án được xây dựng quy mô 19 tầng, khởi công vào cuối năm 2012, với kỳ vọng tạo nơi vui chơi, giải trí, mua sắm sầm uất giữa lòng thành phố Buôn Ma Thuột. 

Sau 4 năm, kể từ khi khởi công xây dựng, đến nay dự án mới chỉ hoàn thành các hạng mục gồm: 1 tầng hầm, 4 tầng nổi và đã ngừng thi công một thời gian dài. UBND tỉnh Đắk Lắk đã nhiều lần kiểm tra tiến độ, gia hạn thời gian để dự án sớm hoàn thành. Tuy nhiên, sau nhiều lần gia hạn, hiện dự án vẫn dậm chân tại chỗ. 

Tròn “một thập kỷ” xây dựng, Dự án Trung tâm Thương mại Phú Xuân, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phú Xuân làm chủ đầu tư, nằm ngay khu “đất vàng”, đường Phan Châu Trinh, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, mới chỉ hoàn thành xong phần thô.

Dự án có mức đầu tư gần 300 tỷ đồng, quy mô gồm khách sạn 14 tầng, siêu thị 3 tầng và các văn phòng cho thuê, được khởi công xây dựng từ năm 2006. Tuy nhiên, do nhà thầu không đủ khả năng tài chính để thực hiện tiếp dự án nên chỉ mới hoàn thành xong phần thô và ngưng thi công từ năm 2012. 

Hay như Dự án xây văn phòng làm việc và cửa hàng mua bán nông sản, của Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Hoa Đào, nằm trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua địa bàn xã Ea Tul, thành phố Buôn Ma Thuột, trên diện tích 5.503,80m2, được UBND tỉnh Đắk Lắk cho thuê đất tại Quyết định 2680/QĐ-UBND, ngày 13 tháng 10 năm 2011.

Sau gần 4 năm được giao đất, chủ dự án chỉ mới xây dựng tường rào bao quanh, chưa hàng mục nào được triển khai xây dựng theo phê duyệt. Tại thời điểm Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk kiểm tra tháng 7 năm 2015, Công ty không có mặt tại địa điểm đăng ký kinh doanh và hiện đang nợ ngân sách Nhà nước hơn 100 triệu đồng. 

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột còn hàng chục dự án thuê đất chậm tiến độ như: khu đô thị sinh thái văn hóa Suối xanh của Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên; trụ sở Chi nhánh ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương; khách sạn Đông Phương… Một số dự án khác chậm tiến độ hoặc không triển khai nằm ở những khu vực “đắc địa” trên địa bàn các huyện Ea H’leo, Lắk, Man Đ’rắk, thị xã Buôn Hồ vẫn đang “đắp chiếu”. 

Theo ông Huỳnh Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, việc hàng chục dự án thuộc diện “đất vàng” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chậm triển khai tác động tiêu cực đến đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngoài việc lãng phí tài nguyên đất đai, không có đất để bố trí cho các nhà đầu tư đủ năng lực, thất thu ngân sách Nhà nước, một số dự án xây dựng dang dở, kéo dài cũng làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Mặt khác, một số dự án chậm triển khai khiến nhiều hộ dân đã bàn giao mặt bằng nhưng không được nhận tiền đền bù để chuyển đổi ngành nghề, tái định cư, ổn định cuộc sống. 

Nguyên nhân dẫn đến việc các nhà đầu tư triển khai chậm hoặc ngừng triển khai dự án là do năng lực tài chính của một số nhà thầu không đảm bảo. Công tác quy hoạch của tỉnh, chưa hoàn chỉnh và đồng bộ. Thủ tục giao đất, cho thuê đất còn chậm.

Những năm trước đây pháp luật về đầu tư không quy định nhà đầu tư phải ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án nên có tình trạng một số nhà đầu tư đã đăng ký, “xí phần” mà không thực hiện dự án theo quy định, ông Huỳnh Văn Tiến cho biết thêm. 

Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành liên quan rà soát, phân loại dự án, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn của những dự án chậm tiến độ do yếu tố khách quan; kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ do nguyên nhân từ phía nhà đầu tư.

Đối với các dự án đầu tư mới, tỉnh Đắk Lắk thực hiện nghiêm quy định về ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Đấu thầu năm 2013, hạn chế thấp nhất dự án “treo” như trong thời gian qua. 

Từ năm 2009 đến nay, UBND tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi 102 dự án đầu tư chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục