Hàng "Made in China" đe dọa châu Âu?

14:50' - 24/09/2015
BNEWS Tờ Les Echos của Pháp mới đây cảnh báo rằng “bóng ma” hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn ngập châu Âu sau năm 2016”, trong bối cảnh Bắc Kinh có nhiều khả năng được công nhận là một nền kinh tế thị trường.
Hàng hóa Trung Quốc. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Tờ Les Echos của Pháp mới đây lên tiếng cảnh báo rằng “bóng ma” hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn ngập châu Âu sau năm 2016”, trong bối cảnh Bắc Kinh có nhiều khả năng được công nhận là một nền kinh tế thị trường.

Theo nghiên cứu mới công bố của Viện Chính sách Kinh tế (EPI) ở Washington, khoảng từ 1,7 - 3,5 triệu việc làm có thể bị mất tại châu Âu nếu 28 nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) công nhận tư cách nền kinh tế thị trường cho Trung Quốc.

Riêng tại nước Pháp, từ 183.000 - 367.000 nhân viên có thể bị sa thải. Nếu đúng như vậy thì đó sẽ là một nguy cơ lớn đối với người lao động ở châu Âu.

Công bố trên không phải là tình cờ, vào thời điểm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) 2001, Bắc Kinh được cho thời hạn 15 năm để trở thành một nền kinh tế thị trường thực sự, và trong khi chờ đợi các đối tác thương mại duy trì quyền áp đặt thuế quan.

Từ nay đến năm 2016, Brussels phải xác định rõ điều mà Bắc Kinh cho là một sự bất thường mang tính giai đoạn.

Robert Scott, nhà kinh tế chịu trách nhiệm về công trình nghiên cứu của EPI, đã sử dụng hai kiểu tính toán khác nhau.

Một dựa trên khả năng giá hàng hóa “Made in China” giảm khoảng 30%, còn cách tính thứ hai tập trung vào các công nghệ nhạy cảm nhất, đặc biệt là những ngành mà Trung Quốc sản xuất thừa, có thể tràn ngập châu Âu như giấy, thép, sứ hay thủy tinh.

Như vậy, nguy cơ bị mất 3 triệu việc làm và Tổng sản phẩm quốc nội của châu Âu giảm từ 1-2 điểm phần trăm là điều có thể xảy ra.

Kịch bản sẽ còn trầm trọng hơn nếu EU đơn phương làm “cử chỉ đẹp” đối với Bắc Kinh, trong khi Mỹ vẫn giữ nguyên trạng.

Tuy có những nhà kinh tế cho rằng tự do hóa toàn bộ sẽ có lợi cho tất cả vì giá thành sẽ xuống thấp, nhưng trên thực tế tác động tích cực sẽ rất hạn chế.

Brussels có thể sẽ nhường bước Bắc Kinh trước áp lực, với hy vọng qua đó thu hút được đầu tư Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Robert Scott, việc này sẽ tạo ra một ít việc làm, nhưng về lâu về dài, số việc làm bị mất đi lại lớn hơn rất nhiều./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục