Hậu Brexit: EU tiếp tục các nỗ lực chống trốn thuế

18:35' - 06/07/2016
BNEWS Ủy ban châu Âu (EC) ngày 5/7 đã thông qua đề xuất thắt chặt quy định với các tổ chức độc quyền để ngăn chặn tình trạng trốn thuế, một động thái mà Anh phản đối lâu nay.
EU tiếp tục các nỗ lực chống trốn thuế. Ảnh: Reuters

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 5/7 đã thông qua đề xuất thắt chặt quy định với các tổ chức độc quyền để ngăn chặn tình trạng trốn thuế, một động thái mà Anh phản đối lâu nay và bị trì hoãn cho đến sau cuộc trưng cầu dân ý tại nước này.

Nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) trong việc xác định người sở hữu của các tổ chức độc quyền diễn ra trong nhiều năm nhưng Thủ tướng Anh David Cameron đã ngăn cản các nỗ lực trước đó của các nhà chức trách EU, với lý do là cần giữ bí mật cho các tổ chức độc quyền ở Anh được sử dụng để quản lý tài sản thừa kế.

EC đang có bước đi đầu tiên nhằm tiến tới ban hành quy định mà Anh sẽ không có tiếng nói sau khi quyết định ra khỏi EU (Brexit).

Các nước khác trong EU cho rằng sự thiếu minh bạch thông tin về người sở hữu có thể biến các tổ chức độc quyền trở thành phương tiện cho việc trốn thuế.

Đề xuất của EU yêu cầu thông tin về người sở hữu được hưởng lợi của các tổ chức độc quyền phải được ghi vào sổ sách mà trong nhiều trường hợp công chúng có thể tiếp cận.

Anh vẫn có quyền bỏ phiếu trong các cuộc thảo luận về các luật mới của Hội đồng châu Âu, nhưng việc chọn Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 khiến tiếng nói của nước này rất yếu.

Sáng kiến mới của EU được đưa ra sau vụ bê bối Hồ sơ Panama hồi tháng Tư, với những tiết lộ về hàng loạt các hành vi trốn thuế của các cá nhân giàu có bằng cách chuyển tiền ra nước ngoài thông qua các công ty bình phong và các thực thể ẩn danh khác.

Trong những tuần qua, Chính phủ Anh lại vận động EC "nương tay" với các tổ chức độc quyền. EC đã hoãn quyết định cho đến sau cuộc trưng cầu dân ý tại Anh.

Anh có thể không thực thi các quy định mới của EU sau khi hoàn tất Brexit, một quá trình sẽ mất hai năm nhưng vẫn chưa được chính thức bắt đầu.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU nhiều lần tuyên bố sau cuộc trưng cầu dân ý tại Anh rằng nếu nước này vẫn muốn tiếp cận thị trường nội khối của EU sau khi hoàn tất Brexit thì phải hoàn toàn tuân thủ quy định của EU.

Nghị viện châu Âu và các nước EU sẽ phải phê chuẩn trước khi các biện pháp mới trở thành luật.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục