Hậu Giang đề ra giải pháp giảm giá thành mía đường

15:33' - 09/03/2018
BNEWS Việc gấp gáp giải cứu nhà máy đường đang được tỉnh Hậu Giang thực hiện bằng cách mua phần nào lượng đường đang tồn kho khá lớn của Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (CASUCO).
Chi phí sản xuất mía nguyên liệu của nông dân luôn ở mức cao. Ảnh: TTXVN
Việc gấp gáp giải cứu nhà máy đường đang được tỉnh Hậu Giang thực hiện bằng cách mua phần nào lượng đường đang tồn kho khá lớn của Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (CASUCO). Tuy nhiên, động thái này được xem như là sự đối phó nhất thời trong xu thế hội nhập đối với sản xuất mía đường hiện nay tại Hậu Giang. Vấn đề lâu dài là phải giảm giá thành sản xuất mía đường của tỉnh trong thời gian tới.
* Giá thành sản xuất cao
Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng giám đốc CASUCO cho biết, các nhà máy đường có tình trạng giá thành sản xuất đường cao hơn so các nước trong khu vực và trên thế giới.
Chi phí sản xuất đường của CASUCO hiện nay là hơn 15.000 đồng/kg. Trong khi đó giá đường bán ra vào thời điểm đầu vụ ép, tháng 10/2017, dao động từ 13.000 - 13.500 đồng/kg, giảm từ 2.000 - 2.500 đồng/kg so cùng kỳ năm 2016; qua tháng 1/2018 và kéo dài đến nay giá đường chỉ còn 12.500 đồng/kg. Tuy nhiên, lượng đường Thái Lan vào thị trường Việt Nam đang tăng mạnh với giá thấp hơn đường trong nước khoảng 1.000 đồng/kg.
Sở dĩ CASUCO có giá thành sản xuất đường cao là do giá thu mua mía nguyên liệu luôn ở mức cao. Những năm gần đây CASUCO thường bao tiêu thu mua mía nguyên liệu tại cầu cảng duy trì mức ổn định trên 900 đồng/kg vì muốn đảm bảo cho người trồng mía luôn có lời.
Trong khi chi phí sản xuất mía nguyên liệu của nông dân luôn ở mức cao. Kết quả điều tra vụ mía 2016 – 2017 của CASUCO thì chi phí sản xuất mía của nông dân tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang có giá từ 740 - 761 đồng/kg tùy theo từng vùng, chưa tính chi phí vận chuyển về nhà máy. Phần lớn chi phí sản xuất chiếm tỷ lệ cao nhất là khâu công lao động, chiếm hơn 60% tổng chi phí, kế đó là mía giống và phân bón lần lượt là gần 20% và hơn 15% còn lại hơn 4% là các chi phí thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc CASUCO thì tỷ lệ mía/đường trong sản xuất của các nhà máy của SASUCO rất cao, tương đương khoảng 11 kg mía mới cho ra 1 kg đường. Nguyên nhân một phần là do công nghệ sản xuất, nhưng cái chính là chất lượng nguồn mía nguyên liệu lẫn nhiều tạp chất.
Cụ thể chất lượng mía vùng Đồng bằng sông Cửu Long thấp nhất cả nước, bình quân mía đạt mức 9,0 - 9,5 chữ đường, thấp hơn từ 1 chữ đường đến 2 chữ đường so các vùng khác trong nước, do đó tỉ lệ mía/đường trong sản xuất của các nhà máy rất cao.
Theo ngành nông nghiệp Hậu Giang, tình hình sản xuất mía đường của tỉnh còn tiềm ẩn nhiều hạn chế gây nên tính thiếu bền vững. Đó là vùng nguyên liệu chưa được quan tâm đầu tư, hỗ trợ đúng mức; hình thức thu mua mía thiếu sự tổ chức và tính chuyên nghiệp của một đơn vị sự nghiệp, vẫn còn sự tranh mua nguyên liệu; chất lượng giống mía chậm được cải thiện, chữ đường chưa cao.
Sản xuất mía của tỉnh chủ yếu là thủ công, chưa được cơ giới hóa; giá vật tư đầu vào cao nên giá thành sản xuất mía khá cao, người trồng mía không có lãi nhiều. Cùng với đó thì hoạt động hợp tác trong sản xuất mía, nhất là khâu bơm nước tập thể còn nhiều hạn chế; hàng năm phải thu hoạch tập trung vào mùa lũ khiến việc tiêu thụ gặp khó khăn, đồng thời biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và sản lượng cây mía.
* Hạ giá thành sản xuất cây mía
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang cho biết, tỉnh có diện tích mía lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 11.000 ha, cung cấp nguồn nguyên liệu chính cho ba nhà máy thuộc hai doanh nghiệp sản xuất đường trong tỉnh là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mía đường cồn Long Mỹ Phát và Công ty Casuco.
Những năm trước, dù thị trường đường đôi lúc có biến động nhưng đa phần là ở mức các doanh nghiệp bảo đảm có lời, do đường được bảo hộ nhờ mức thuế cao và hạn ngạch nhập khẩu, đồng thời việc chống đường lậu được siết chặt ở các cửa khẩu biên giới, nhất là biên giới Việt Nam với Campuchia.
Tuy nhiện thời gian gần đây, giá đường vào thời điểm đầu vụ ép dao động từ 13.000 - 13.500 đồng/kg, giảm từ 2.000 - 2.500 đồng/kg so cùng kỳ. Từ đầu năm 2018 đến nay, giá đường chỉ còn 12.500 đồng/kg. Với mức giá này thì hầu hết các nhà máy đường trong tỉnh đều bị lỗ nếu xuất bán. Do đó, nhiều doanh nghiệp còn trữ lại dẫn tới lượng đường tồn kho ở mức cao; trong đó CASUCO còn tồn kho khoảng 30.000 tấn đường.
Ngành nông nghiệp Hậu Giang xác định tái cơ cấu mạnh mẽ đối với ngành mía đường trong xu thế hội nhập chính là hạ giá thành sản xuất; trong đó nhiệm vụ trong tâm là phải hạ giá thành sản xuất cây mía xuống. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ thực hiện nhiều giải pháp để hạ giá thành sản xuất cây mía xuống còn 500 đồng/kg, đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp trong sản xuất mía nhằm phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh, tăng cường nghiên cứu và ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất từ gieo trồng đến thu hoạch, để giảm thiểu chi phí cho người trồng mía. Cũng như kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất các sản phẩm sau đường, các phụ phẩm từ chế biến đường nhằm vừa giúp cải thiện môi trường vừa tăng chuỗi giá trị mía đường. Việc sản xuất các sản phẩm sau đường, các phụ phẩm từ chế biến đường sẽ giúp giá thành đường giảm và giá mía nguyên liệu thu mua của nông dân được tăng lên.
Đặc biệt là nâng cấp các tuyến đường nông thôn, đồng thời mở những tuyến đường giữa vùng sản xuất mía lớn, tập trung để thuận tiện cho việc vận chuyển mía, giảm chi phí vận chuyển và đảm bảo chất lượng mía sau thu hoạch.
Đồng thời, phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ đầu vào gắn với sản xuất, tiêu thụ nông sản. Hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác củng cố nâng cao năng lực hoạt động thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn và hỗ trợ về trang thiết bị sản xuất nhằm giảm công lao động thấp nhất trong trồng mía để giảm giá thành hiệu quả.
Ông Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị CASUCO cho biết, doanh nghiệp sẽ tiếp tục cải tiến công nghệ sản xuất, cắt giảm thêm chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản xuất đường. Trong xu hướng của khu vực và thế giới hiện nay, các nhà máy đường không chỉ bán sản phẩm đường, mà còn thu lợi nhuận từ các sản phẩm phụ khác của mía. Nhất là trước sự cạnh tranh như hiện nay thì doanh nghiệp tính toán có giải pháp nâng cấp, bổ sung nhà máy để có thể thu lợi nhuận từ việc bán bã mía, bã bùn, mật rỉ, nếu cao hơn là bán được điện sản xuất từ phụ phẩm nhà máy đường lên lưới điện Quốc gia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục