Hậu Giang khuyến cáo nông dân không xuống giống vụ Xuân Hè

21:09' - 03/03/2016
BNEWS Do hiện tượng xâm nhập mặn, khô hạn trở nên nghiêm trọng, tỉnh Hậu Giang khuyến cáo người dân không gieo cấy vụ Xuân Hè mà nên tập trung cho vụ Hè Thu nhằm tránh rủi ro do thiên tai bất lợi gây ra.
Nhiều cây lúa chết do hạn mặn. Ảnh: TTXVN
Trước tình hình xâm nhập mặn, khô hạn hiện nay, tỉnh Hậu Giang khuyến cáo người dân không gieo cấy vụ Xuân Hè, nên tập trung cho vụ Hè Thu và cần tuân thủ đúng lịch thời vụ nhằm tránh rủi ro do thiên tai bất lợi gây ra. 
Theo đó, tỉnh Hậu Giang phân ra 3 đợt xuống giống vụ Hè Thu và cụ thể đối với từng địa bàn, từng huyện. Ngoài tuân thủ lịch thời vụ, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân nên lựa chọn những giống lúa ngắn ngày, chịu phèn, mặn cao gieo trồng ở vụ này như giống lúa IR 50404, OM2517, OM576, AS996, OM5451, OM6976, OM5472… 
Theo kế hoạch, vụ lúa Hè Thu năm 2016, toàn tỉnh gieo cấy khoảng 77.000 ha. Tuy nhiên, gần đây giá lúa thương phẩm trên thị trường ổn định, người dân sản suất có lãi khá nên khi thu hoạch vụ Đông Xuân, họ tranh thủ làm đồng xuống ngay vụ Xuân Hè, Hè Thu. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn có hàng trăm héc ta lúa Xuân Hè, Hè Thu xuống giống “xé rào”, đang đứng trước nguy cơ nhiễm mặn, khô hạn, thiếu nước, sâu hại… 
Theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt, năm nay bà con không nên xuống giống vụ Xuân Hè vì lượng nước phục vụ cho sản xuất lúa khan hiếm vào các tháng đầu năm 2016, tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiếu nước và là cầu nối dịch hại cho vụ Hè Thu. Đặc biệt, đối với những vùng không chủ động về nguồn nước kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại. 
Vùng đồng bằng sông Cửu Long có 8/13 tỉnh, thành gieo cấy vụ Xuân Hè, với diện tích khoảng 130.000 ha. Theo các địa phương, mặc dù được tuyên truyền, khuyến cáo nhưng vì lợi ích trước mắt, nhất là thị trường lúa gạo đang “ấm” trở lại, nên người dân đua nhau sản xuất, xuống giống ồ ạt, phớt lờ lịch thời vụ, khô hạn, mặn… 
Trước tình hình trên, ông Lữ Văn Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo ngành nông nghiệp cần phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường thông báo, hướng dẫn người dân để người dân nắm, hiểu được thiên tai bất lợi hiện nay; khuyến cáo người dân chủ động gia cố đê bao, ao hồ trữ nước ngọt; đặc biệt nghiêm cấm người dân gieo cấy “xé rào”, những diện tích gieo cấy không đúng lịch thời vụ, khi bị thiệt hại tỉnh sẽ kiên quyết không hỗ trợ; đồng thời, chỉ đạo các ngành, các cấp tham gia công tác chống mặn, hạn; nơi nào để mặn xâm nhập gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống người dân thì lãnh đạo nơi đó chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Tỉnh ủy. 
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, tình hình xâm nhập mặn, khô hạn năm nay diễn biến hết sức gay gắt. Hiện, xâm nhập mặn bao vây cả vùng sản xuất ngọt hóa của tỉnh, theo nhiều hướng, không chỉ gây ảnh hưởng đến sản xuất mà còn có nguy xảy ra thiếu nước ngọt sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân tỉnh này. Tỉnh Hậu Giang đang khẩn trương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ứng phó nhưng chỉ mang tính đối phó nhất thời. Về lâu dài, tỉnh đề nghị Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương cần có chiến lược, giải pháp quy hoạch cụ thể, mang tầm cỡ vùng mới có khả năng ứng phó, đối phó, chống biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục