Hậu Olympic PyeongChang: Mỹ siết chặt trừng phạt Triều Tiên (Phần 1)

05:30' - 06/03/2018
BNEWS Vòng đối đầu Mỹ-Triều mới diễn ra trong bối cảnh hai miền Triều Tiên đang ở trong trạng thái hòa giải hiếm hoi, với việc Triều Tiên cử đoàn tham gia Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 tại Hàn Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: EPA/TTXVN

Ngày 25/2, Nhà Trắng khẳng định vẫn sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm gây sức ép buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân.

Trong một tuyên bố, Nhà Trắng nêu rõ: “Chúng ta sẽ xem thông điệp của Bình Nhưỡng về việc sẵn sàng đối thoại với Washington có thực sự là bước đi đầu tiên trên con đường phi hạt nhân hóa hay không. Trong lúc này, Mỹ cùng cộng đồng quốc tế phải tiếp tục đảm bảo rằng chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên sẽ đi vào ngõ cụt”.

Trước đó, cùng ngày, Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết trong cuộc gặp với Tổng thống nước này Moon Jae-in,  một quan chức cấp cao Triều Tiên bày tỏ rằng Bình Nhưỡng có "đủ" sự sẵn lòng để tổ chức đối thoại với Mỹ. Phát biểu trên được ông Kim Yong-chol, quan chức cấp cao thuộc Đảng Lao động Triều Tiên phụ trách về quan hệ liên Triều đưa ra tại cuộc gặp với ông Moon Jae-in tại PyeongChang, thành phố tổ chức Olympic mùa Đông 2018.

Trước đó, ngày 23/2, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thông báo áp đặt các biện pháp mà Washington cho là mạnh nhất từ trước đến nay đối với Triều Tiên, nhằm vào 27 công ty thương mại và vận tải đường biển, 28 tàu thuyền và 1 cá nhân bị tình nghi giúp Triều Tiên "lách" các biện pháp trừng phạt hiện hành.

Những công ty và thực thể này có đăng ký hoặc đóng trụ sở tại những nước như Triều Tiên, Trung Quốc, Singapore, Tanzania và Panama. Tài sản và lợi ích của các công ty và thực thể này cũng bị phong tỏa trên lãnh thổ Mỹ hoặc trong quyền kiểm soát quốc gia của Mỹ.

Washington cũng kêu gọi Liên hợp quốc (LHQ) đưa vào danh sách đen một loạt thực thể - hành động mà Mỹ tuyên bố là nhằm chặn đứng hoạt động buôn lậu hàng phi pháp của Triều Tiên để lấy dầu và bán than.

Bên cạnh đó, chính quyền Trump và các đồng minh chủ chốt ở châu Á đang chuẩn bị mở rộng nỗ lực chặn giữ các tàu bị tình nghi vi phạm các chế tài nhắm vào Triều Tiên, một kế hoạch có thể bao gồm việc triển khai lực lượng Tuần duyên Mỹ để chặn và lục soát các tàu trong các vùng biển ở châu Á.

Reuters dẫn lời các quan chức chính phủ cao cấp của Mỹ cho biết Washington vẫn đang bàn bạc với các nước đối tác trong khu vực, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Singapore, về việc điều phối một chiến dịch trấn áp tăng cường mà sẽ quyết liệt hơn bao giờ hết trong nỗ lực phong tỏa việc Bình Nhưỡng sử dụng thương mại đường biển để duy trì chương trình tên lửa và hạt nhân của mình.

Dù các tàu đáng ngờ từng bị chặn giữ, chiến lược đang hình thành này sẽ mở rộng phạm vi của các hoạt động như vậy nhưng không tiến tới việc áp đặt phong tỏa hải quân đối với Triều Tiên. Bình Nhưỡng từng cảnh báo họ sẽ coi một cuộc phong tỏa là một hành động chiến tranh.

Theo các quan chức giấu tên, chiến lược này kêu gọi theo dõi chặt chẽ hơn và có thể bắt giữ các tàu bị nghi là chở các cấu phần vũ khí bị cấm và các hàng hóa bị cấm khác tới hoặc từ Triều Tiên. Tùy thuộc vào quy mô của chiến dịch, Mỹ có thể cân nhắc tăng cường năng lực hải quân và không quân của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương.

Sáng kiến do Mỹ dẫn đầu cho thấy Washington ngày càng nóng lòng buộc Triều Tiên phải đàm phán về việc từ bỏ chương trình vũ khí của họ. Triều Tiên có thể chỉ còn vài tháng nữa là hoàn tất phát triển một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn trúng lục địa của Mỹ, bất chấp các chế tài hiện hành của quốc tế mà đôi khi Triều Tiên né tránh bằng cách buôn lậu và chuyển hàng bị cấm từ tàu này qua tàu kia trên biển.

Những biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ công bố trên được cho là một phần của loạt biện pháp nhằm làm suy yếu khả năng của chế độ Bình Nhưỡng tiến hành hoạt động thương mại trên biển đồng thời áp dụng cái mà nhiều người gọi là “chiến lược mãng xà” nhằm bóp nghẹt chế độ này một cách cứng rắn để buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán.

Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt đơn phương khác từ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như chiến dịch cô lập Triều Tiên về mặt ngoại giao đã khiến Bình Nhưỡng chao đảo trước chiến lược “gây sức ép tối đa”. Với những thông tin rò rỉ hồi tháng 10/2017 về việc Triều Tiên có thể đã cạn kiệt nguồn dự trữ đồng USD và ngoại hối, các biện pháp trừng phạt mới công bố có thể thực sự đẩy Bình Nhưỡng vào tình trạng túng quẫn.

Bên cạnh mục tiêu siết chặt các trao đổi thương mại của Triều Tiên, chiến lược của ông Trump còn nhắm đến mục tiêu thứ hai. Chính quyền Trump dường như biết rõ rằng khó có thể khiến Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, Washington biết rõ rằng các biện pháp trừng phạt sẽ trao cho Mỹ khả năng hủy hoại nền kinh tế của Bình Nhưỡng, theo đó, hủy hoại khả năng Triều Tiên có thể tiếp tục phát triển các loại tên lửa và vũ khí hạt nhân tiên tiến hơn. Như vậy, mục tiêu thứ hai này chính là làm chậm lại tiến triển hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Giới quan sát cho rằng các chế tài nghiêm khắc hơn cùng với đối sách quyết đoán hơn trên biển có thể đẩy căng thẳng lên cao trong bối cảnh nỗ lực ngoại giao mong manh giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đã đạt được đà tiến. Nó cũng sẽ dàn trải các nguồn lực quân sự của Mỹ cần dùng ở những nơi khác, có thể làm nảy sinh thêm chi phí to lớn và thổi bùng lo ngại tại một số nước trong khu vực.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục