HĐND TP. Hà Nội thông qua nhiều nghị quyết quan trọng

15:37' - 05/12/2017
BNEWS Ngày 5/12, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2018 và giao UBND thành phố tổ chức triển khai giao biên chế hành chính, sự nghiệp theo Nghị quyết của HĐND thành phố.
Sáng 5/12, tiếp tục Kỳ họp thứ 5, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, UBND thành phố Hà Nội trình HĐND thành phố để thảo luận và quyết nghị về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố năm 2018, thông qua đồ án “Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, thành phố Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000”.

Tại kỳ họp, ông Nguyễn Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội trình bày Tờ trình về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố năm 2018. Theo đó, năm 2017, thành phố tinh giản được 1.267 biên chế, gồm 282 biên chế công chức, 668 biên chế viên chức do sắp xếp tổ chức bộ máy, 317 biên chế theo phương án chuyển đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần. Thành phố cũng đã giải quyết 551 trường hợp nghỉ diện tinh giản theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.

Theo kế hoạch, năm 2018, thành phố Hà Nội sử dụng 10.661 biên chế hành chính, giảm 236 biên chế so với năm 2017. Trong đó, biên chế công chức là 8.891, giảm 225 biên chế, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 1358 chỉ tiêu, giảm 11 chỉ tiêu và lao động hợp đồng theo định mức là 412 chỉ tiêu, giữ nguyên so với năm 2017.

Về biên chế sự nghiệp, kế hoạch năm 2018 thành phố sử dụng tổng cộng 148.822 biên chế, tăng 1.749 biên chế so với năm 2017. Trong đó, có 127.933 biên chế viên chức, tăng 1.571 biên chế so với năm 2017, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 11.568 chỉ tiêu, giảm 233 chỉ tiêu và lao động hợp đồng theo định mức 9.321 chỉ tiêu, tăng 411 chỉ tiêu.

Trên cơ sở Tờ trình của UBND thành phố và kết quả giám sát của Ban Pháp chế về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố Hà Nội năm 2017, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế, HĐND thành phố Hà Nội đề xuất UBND thành phố chỉ duy trì khoảng 50% số biên chế công chức hiện có, số còn lại nằm trong số phải tinh giản năm 2018 và đưa vào nguồn dự phòng để UBND thành phố phân bổ về các đơn vị khác.

Ban Pháp chế cũng đề nghị điều chỉnh tăng biên chế hoặc không cắt giảm đối với các sở, ngành thành phố, đơn vị tăng nhiệm vụ do UBND thành phố giao. Đối với đơn vị sau kiện toàn, rà soát chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ hoặc do ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức làm việc thì xem xét cắt giảm thêm.

Đối với các quận, huyện, cần xem xét theo đặc thù những quận mới được thành lập, các huyện đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội đề nghị không thực hiện cắt giảm biên chế. Đối với các quận nội đô đã đảm bảo sự ổn định phát triển có thể xem xét cắt giảm thêm.

Qua thảo luận, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2018 và giao UBND thành phố tổ chức triển khai giao biên chế hành chính, sự nghiệp theo Nghị quyết của HĐND thành phố với 96/97 phiếu tán thành và 1 phiếu trắng.

Cũng tại kỳ họp, ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố trình bày đề nghị thông qua Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, thành phố Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000. Quy mô diện tích nghiên cứu quy hoạch đề xuất khoảng 17.274 ha, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 600.000 người.

Với mục tiêu quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị Hòa Lạc thành đô thị mới hiện đại, đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật có vai trò giảm tải về chức năng và áp lực dân số cho đô thị trung tâm, định hướng quy hoạch tổ chức không gian được phân chia thành 2 vùng đặc trưng là “vùng phát triển đô thị” và “vùng vành đai xanh” xung quanh khu vực đô thị.

Theo đó, vùng phát triển đô thị bao gồm khu công nghệ cao Hòa Lạc, khu Đại học quốc gia Hà Nội và Khu đô thị mới, được phân chia, xác định bởi tuyến đường Đại lộ Thăng Long, tuyến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, Quốc lộ 21, đường Hồ Chí Minh. Tại khu vực phát triển đô thị, đất dân dụng được quy hoạch là 4567,03 ha, chỉ tiêu 89,9 m2/người, các loại đất khác trong phạm vi dân dụng là 1278,92 ha, đất ngoài dân dụng 1012,39 ha.

Vùng vành đai xanh là vùng bao quanh của vùng nội thị, được phân định theo các tuyến đường vành đai của đô thị và các chức năng sử dụng đất đặc thù (vùng nông nghiệp, lâm nghiệp, đất quân sự), bao gồm khu vực nông nghiệp phía Tây sông Tích, khu sinh thái rừng núi Viên Nam, khu vực đệm xanh sân bay Hòa Lạc gắn với hồ Đồng Mô và rừng quốc gia Ba Vì.

Thẩm tra về Tờ trình Quy hoạch đô thị Hòa Lạc, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố Hà Nội khẳng định: Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch với tính chất là đô thị khoa học công nghệ, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nghề nhân lực chất lượng cao, đô thị nghỉ dưỡng, sinh thái, tiết kiệm năng lượng, trung tâm vùng phía Tây Hà Nội trên cơ sở gắn kết địa hình tự nhiên với hệ thống không gian, cảnh quan khu vực Ba Vì, Đồng Mô và sông Tích, hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, thành phố Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000 được HĐND thành phố thông qua với 96/97 phiếu tán thành, 1 phiếu trắng.

Trong phiên làm việc sáng 5/12, HĐND thành phố Hà Nội cũng tiếp tục thảo luận và quyết nghị về việc đặt, đổi tên đường phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2017, phê duyệt danh mục dự án cần thu hồi đất, danh mục công trình, dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năng 2018, Kế hoạch thực hiện đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020” và cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND thành phố./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục