Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm trầm trọng

11:50' - 14/02/2018
BNEWS Tình trạng xả thải gây ô nhiễm các kênh trục chính của hệ thống Bắc Hưng Hải thông qua kênh cấp 2 thuộc địa bàn Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương đã xuất hiện từ nhiều năm nay.

Thực trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, nhất là thời điểm miền Bắc đang trong thời gian lấy nước đổ ải sản xuất lúa vụ Xuân 2018.

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm trầm trọng.Ảnh: Bảo vệ môi trường

Nước thải "bức tử" toàn hệ thống

Những dòng nước đen kịt, bốc mùi hôi thối, bèo và rác dồn ứ, cá chết phơi trắng bụng ở các cống đầu kênh là thực tế đáng buồn mà đoàn kiểm tra Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ghi nhận trong chuyến thị sát mới đây tại các cống đầu kênh ở hệ thống Bắc Hưng Hải dọc theo địa phận các tỉnh, thành Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương.

Tại cống Xuân Thụy, đầu kênh Cầu Bây (kênh cấp 2) trực thuộc xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đổ ra kênh Kim Sơn thuộc Bắc Hưng Hải, rác dồn ở cống, nước thải đen đặc. Ông Bùi Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bắc Hưng Hải cho biết, hệ thống Bắc Hưng Hải ô nhiễm bắt nguồn từ đây.

Cống Xuân Thụy có thể nói là điểm "đón nước thải" từ khoảng 50 cơ sở trên địa bàn xả thải vào kênh trục Bắc Hưng Hải. Chưa kể còn có sự cộng hưởng ô nhiễm được tạo bởi một bãi chôn lấp rác của Kiêu Kỵ, nằm cách cống này không xa. Mặc dù công ty đã có ý kiến với chính quyền địa phương nhưng tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.

Còn ở cống Ngọc Đà, điểm xả thải vào kênh Đình Dù (thuộc địa phận xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), đoàn công tác đã "mục sở thị" dòng nước đen ngòm, đặc quánh, vẩn rác và bọt.

Ông Nguyễn Quý Chúc (thôn Bình Lương, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm) bức xúc nói: "Trước đây, chúng tôi còn bơi được trên sông này, người dân trong thôn còn lấy nước sông rửa rau, giặt giũ quần áo. Nhưng hiện nay, nước sông bốc mùi nồng nặc. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị chính quyền có ý kiến với các công ty yêu cầu xử lý nước thải trước khi xả ra kênh”.

Ở cống Phần Hà, đầu kênh Trần Thành Ngọ (thuộc địa phận xã Hưng Long, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) bèo và rác, xác cá nhỏ trương phềnh nổi trắng trên mặt nước đen, dồn về sát cống.

Một cán bộ phòng Điều tiết hệ thống (Công tyTrách nhiệm hữu hạn Bắc Hưng Hải) cho biết, nguồn nước thải đổ về đây khởi phát từ hai khu công nghiệp ở Phố Nối (Hưng Yên).

Tại Hải Dương, đoàn công tác chứng kiến ô nhiễm ở kênh T2 trên địa bàn phường Thanh Bình, thành phố Hải Dương. Kênh T2 thuộc thành phố Hải Dương có nhiệm vụ tiêu thoát nước thải sinh hoạt các phường Tân Bình, Thanh Bình, Cẩm Thượng và Bình Hàn, chống ngập úng mùa mưa. Nước chảy ra kênh Kim Sơn qua bơm tiêu từ trạm bơm Bình Lâu, qua cống tự chảy trên địa phận phường Tân Bình.

Trong nhiều năm nay, tình trạng nước kênh T2 thường xuyên bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước màu đen kịt, có mùi hôi thối.

Ảnh hưởng nặng nề

Phản ánh về tình trạng nước kênh Đình Dù ô nhiễm, người dân địa phương vô cùng lo lắng. Được biết, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, rất nhiều lần cử tri đã lên tiếng nhưng tình hình đến nay vẫn chưa được cải thiện. Đáng nói, dòng nước bị ô nhiễm đã ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của hàng vạn người dân.

Ông Nguyễn Quý Chúc (thôn Bình Lương, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm) xót xa: “Nước kênh hôi thối như thế này còn cung cấp cho trạm bơm Tân Hưng tưới cho rau màu huyện Văn Lâm (Hưng Yên), trạm bơm Nam Bắc Ninh tưới tiêu cho cả huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Rất mong các cơ quan ban ngành cùng chung tay cứu dòng sông này”.

Tại Hải Dương, trước đợt lấy nước đổ ải phục vụ sản xuất Đông Xuân 2017-2018, cán bộ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bắc Hưng Hải đã kiểm tra thực tế tình hình chất lượng nước kênh T2 đoạn chảy vào kênh Kim Sơn. Kết quả cho thấy, tại vị trí hạ lưu cầu Cất, nước ô nhiễm, bốc mùi hôi thối, như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc lấy nước đổ ải, tưới, nuôi thủy sản và ảnh hưởng đến đời sống người dân khu vực này.

Để đảm bảo chất lượng nước đổ ải và tưới cho sản xuất vụ Đông Xuân 2017-2018, Công ty Bắc Hưng Hải đã có văn bản đề nghị Thành phố Hải Dương quan tâm chỉ đạo Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương hạn chế tối đa việc mở xả tiêu nước trong kênh T2 ra kênh Kim Sơn hoặc có phương án tiêu khác trong thời gian 3 đợt lấy nước đổ ải. Đồng thời, đề nghị có phương án xử lý nước ô nhiễm trong kênh T2 trước khi xả, bơm ra kênh Kim Sơn.

Hiện nay đang vào mùa kiệt nước. Mực nước tại các sông Hồng, sông Thái Bình xuống thấp. Mực nước trên các kênh cấp 2, trong kênh chính của Bắc Hưng Hải không đảm bảo dòng chảy.

Trong khi đó, các nguồn xả thải chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn cho phép từ các tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục xả vào các kênh chính gây ô nhiễm nước nhanh chóng cho hệ thống.

Cần huy động tổng lực

Tình trạng suy giảm chất lượng nước một cách đáng báo động đối với toàn hệ thống Bắc Hưng Hải đã được gióng lên từ mấy năm nay song tình hình chẳng những không thuyên giảm mà còn trầm trọng hơn. Về lâu dài, để giảm thiểu được ô nhiễm, cần nhiều giải pháp đồng bộ.

Theo ông Bùi Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bắc Hưng Hải, đối với các địa phương trong lưu vực, cần chỉ đạo các cấp chính quyền phối hợp với các đơn vị liên quan như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bắc Hưng Hải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh thành lập ban chỉ đạo và đoàn kiểm tra, xử lý môi trường, các khu dân cư, làng nghề, khu công nghiệp, nhà máy phải có khu thu gom nước thải tập trung và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn trước khi đổ vào kênh thủy lợi.

Song song, cần tiến hành vận động người dân không xả rác xuống kênh. Chỉ đạo thường xuyên các xã có hoạt động sản xuất liên quan đến việc sử dụng hoặc xả thải vào kênh thủy lợi phải tuân thủ kỹ thuật để giảm thiểu tác động gây ô nhiễm nguồn nước.

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, cần có sự quan tâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đại diện lãnh đạo công ty Bắc Hưng Hải đề nghị Bộ có những biện pháp đầu tư xây dựng các trạm đo kiểm soát chất lượng nước và các thiết bị đo kiểm tra chất lượng nước.

Đồng thời, cần xây dựng các cống đầu kênh cấp 2 –kênh tiếp nhận, xả tiêu vào kênh Bắc Hưng Hải-lắp đặt các thiết bị quan trắc chất lượng nước và giao Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bắc Hưng Hải quản lý.

Đặc biệt, đề nghị Bộ có ý kiến với UBND thành phố Hà Nội xử lý dứt điểm ô nhiễm kênh Cầu Bây, việc xả thải các khu công nghiệp Phố Nối ra kênh cấp 2 của địa phương. Đối với kênh Cầu Bây, công ty đề xuất phương án xây dựng kênh đôi tách riêng kênh lấy nước và kênh tiêu nước, kênh tiêu cần phải xây dựng nhà máy xử lý nước trước khi tiêu vào kênh Kim Sơn thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục