Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải chủ động ứng phó với mùa mưa bão

18:58' - 16/06/2017
BNEWS Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải nằm giữa Đồng bằng sông Hồng, được bao bọc bởi 4 con sông lớn: sông Đuống ở phía Bắc, sông Luộc ở phía Nam, sông Thái Bình ở phía Đông và sông Hồng ở phía Tây.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

Tại Hội nghị Hội đồng Quản lý hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải do Tổng Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức ngày 16/6 tại Hải Dương, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải cho biết, để chủ động ứng phó với diễn biết bất thường trong mùa mưa bão 2017, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, công ty phối hợp với các địa phương tập trung tu sửa công trình, xây dựng phương án chống úng.

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải nằm giữa Đồng bằng sông Hồng, được bao bọc bởi 4 con sông lớn: sông Đuống ở phía Bắc, sông Luộc ở phía Nam, sông Thái Bình ở phía Đông và sông Hồng ở phía Tây. Toàn khu vực rộng 214.932 ha bao gồm đất đai của toàn bộ tỉnh Hưng Yên, 7 huyện thị của tỉnh Hải Dương, 3 huyện của tỉnh Bắc Ninh và 2 quận, huyện của thành phố Hà Nội. Trong đó, phần trong đê khoảng 192.000 ha và gần 23.000 ha ngoài đê.

Đến thời điểm này, Công ty thành lập Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai năm 2017, kiểm tra đánh giá các công trình trong hệ thống trước lũ để tu sửa kịp thời. Cụ thể, đã hoàn thành kiểm tra 13 công trình thuộc 5 trạm quản lý công trình của công ty, tu sửa kịp thời những hạng mục hư hỏng để đảm bảo chất lượng công trình trước mùa mưa bão.

Bên cạnh đó, công ty xây dựng phương án chống úng và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra đối với hệ thống Bắc Hưng Hải và các công trình trọng điểm cống dưới đê trung ương tại các công trình cống Xuân Quan, cống Cầu Xe, An Thổ, âu thuyền Cầu Cất, trạm bơm My Động; xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm đoạn bờ kênh tả thượng lưu cống An Thổ xã Tiên Động (huyện tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương).

Công ty cũng tiến hành tu sửa bảo dưỡng các công trình trong hệ thống; nạo vét một số đoạn trên các kênh với kinh phí 21,6 tỷ đồng; đắp và cứng hóa bờ kênh Cửu An; gia cố mái kênh âu thuyền An Thổ; xử lý sự cố các đoạn bờ kênh bị sạt trượt nguy hiểm. Song song với đó, Công ty Bắc Hưng Hải chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện để phòng chống lụt bão tại các trọng điểm của hệ thống; phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan trong công tác bảo vệ các công trình trọng điểm của hệ thống Bắc Hưng Hải.

Theo ông Trịnh Thế Trường, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, nếu bờ kênh Bắc Hưng Hải vỡ, thiệt hại là rất lớn, đề nghị các địa phương quan tâm đầu tư kinh phí đắp tôn cao áp trúc các đoạn còn xung yếu và có phương án bảo vệ trong suốt mùa mưa bão.

Trường hợp mực nước trên mức khẩn cấp, tiếp tục có diễn biến bất lợi như mưa tăng cường, bão, gió lớn…, Công ty Bắc Hưng Hải đề xuất phương án điều hành trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp chỉ đạo các tỉnh ngừng bơm một số diện tích ngập sâu, không làm dâng thêm mực nước trên kênh trục để cứu bờ kênh không bị vỡ tràn trên diện rộng, gây thiệt hại lớn.

Một trong những tồn tại hiện nay là một số đơn vị coi nhẹ công tác quản lý bờ kênh. Việc phát hiện và xử lý vi phạm công trình thủy lợi, bờ kênh chậm, thiếu kiên quyết. Trước tình trạng này, ông Trường cũng đề nghị các địa phương có sự chỉ đạo thống nhất từ tỉnh đến huyện, xã để ngăn chặn việc vi phạm lưu không hành lang của công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải như: đào ao thả cá, đào đất, làm nhà, bến bãi vật liệu, đặc biệt là việc hút cát lòng kênh gây sạt lở bờ kênh tiềm ẩn nguy cơ sạt, vỡ bờ kênh trong mùa mưa úng…

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo, năm 2017 sẽ có khoảng 13-15 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông. Trong đó, khoảng 3-4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Tháng 7 và tháng 8/2017 là giai đoạn khả năng xảy ra mưa lớn diện rộng nhiều nhất, lượng mưa trong các tháng 7-8-9/2017 và tháng 12/2017 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Toàn mùa xuất hiện 2-3 đợt lũ và đỉnh lũ xuất hiện vào khoảng tháng 7 hoặc tháng 8./.

>>> Di chuyển 90 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm

>>> Hà Nội có nhiều kịch bản ứng phó với thời tiết bất thường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục