Hình thành tam giác động lực trong Vùng Thủ đô Hà Nội

12:16' - 11/08/2016
BNEWS Ngày 11/8, Bộ Xây dựng đã công bố Quyết định Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Hình thành tam giác động lực trong Vùng Thủ đô Hà Nội. Ảnh minh họa: TTXVN

Phạm vi Vùng Thủ đô Hà Nội gồm toàn bộ ranh giới của Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang.

Như vậy, có 3 tỉnh được mở rộng so với quyết định được phê duyệt năm 2008 là Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang. Tổng diện tích toàn vùng sẽ là trên 24.000 km2, tăng đáng kể so với tổng diện tích cũ hơn 13.000 km2.

Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Ngô Trung Hải cho biết, Quy hoạch này nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển, công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội có sự phân công, hợp tác, chia sẻ và liên kết giữa các địa phương trong Vùng.

Đặc biệt là đảm bảo phân bổ nguồn lực quốc gia có hiệu quả; hạn chế những mặt trái của quá trình đô thị hóa đến môi trường sống, tác động của biến đổi khí hậu nhằm xây dựng Vùng phát triển thịnh vượng và có môi trường bền vững.

Việc đáp ứng nhu cầu xây dựng đồng bộ, hiện đại hệ thống mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và xã hội của Vùng sẽ tạo điều kiện cho các đô thị tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân tạo động lực thúc đẩy phát triển cho các khu vực xung quanh về kinh tế, văn hóa - xã hội; phát triển cân bằng giữa đô thị và nông thôn; bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Quy hoạch này còn làm cơ sở cho lập và điều chỉnh các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng dọc tuyến đường vành đai, cao tốc liên tỉnh, các vùng và khu chức năng đặc thù, quy hoạch chung các đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; là cơ sở lập dữ liệu phục vụ công tác quản lý, đề xuất cơ chế chính sách và mô hình quản lý Vùng.

Theo định hướng phát triển không gian vùng, Thủ đô Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Ninh được chọn hình thành tam giác động lực bởi đây là các địa phương có tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa cao; có vị trí trung tâm của toàn Vùng nổi bật với các thế mạnh về công nghiệp, đào tạo, nguồn nhân lực và các điều kiện hạ tầng…

Các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Hà Nam sẽ phát huy lợi thế tiếp cận cửa ngõ và hệ thống giao thông hướng biển (hành lang Hà Nội - Phố Nối - Hải Dương - Hải Phòng), tam giác kinh tế phía Nam Hà Nội (Hưng Yên - Đồng Văn - Phủ Lý); phát triển các dịch vụ công nghiệp - đô thị kết nối trung tâm Vùng Thủ đô Hà Nội với cửa ngõ kinh tế biển; phát triển các khu công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, logistics, trung tâm thương mại, y tế, đào tạo, thể dục thể thao, chế biến nông phẩm cấp vùng.

Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang là vùng cửa ngõ chuyển tiếp giữa Vùng Thủ đô Hà Nội với Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho hay, để hoàn thành Quy hoạch Vùng Thủ đô, Ban soạn thảo đã có quá trình làm việc, tiếp thu ý kiến đóng góp và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương.

Một trong những mục tiêu quan trọng phải thực hiện là kết nối được hệ thống hạ tầng của toàn bộ các địa phương trong vùng. Các hạng mục từ giao thông, điện, nước, xã hội… cũng đã được chỉ rõ.

Tuy nhiên, để Đồ án này đi vào cuộc sống cần công cụ quản lý, gắn với trách nhiệm thực hiện của mỗi cơ quan, đơn vị; trong đó, sự hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau giữa các địa phương là rất lớn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục