Hộ nghèo miền núi Thanh Hóa vay vốn sản xuất hiệu quả

15:48' - 27/06/2017
BNEWS Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thanh Hóa, dư nợ toàn tỉnh theo các chương trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách là hơn 8.000 tỷ đồng.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thanh Hóa thăm trang trại gia đình chị Miến. Ảnh: TTXVN

Những năm qua, chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tốt các chương cho vay sản xuất giúp nhân dân có nguồn vốn phát triển kinh tế. Nguồn vốn vay này đã giúp các hộ dân nghèo sống tại các huyện miền núi có điều kiện vươn lên làm giàu.
Theo thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thanh Hóa, số dư nợ toàn tỉnh theo các chương trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách là hơn 8.000 tỷ đồng cho 41.260 lượt khách vay.
Ông Đỗ Minh Tiến, Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời gian qua, chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tốt các chương trình tín dụng hộ nghèo và các đối tượng chính sách, giúp 117.000 hộ nghèo, thoát khỏi ngưỡng nghèo.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ bám sát các chính sách của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh để phục vụ người dân. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, kiểm tra các chương trình tín dụng để đảm bảo đồng vốn từ ngân hàng chính sách phát huy hiệu quả, lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao kỹ thuật, các chương trình, dự án phát triển kinh tế tại địa phương”, ông Tiến nói.
Tại huyện miền núi Như Xuân, nguồn vốn vay sản xuất này đã giúp nhân dân trong huyện có vốn đầu tư, phát triển các mô hình kinh tế trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao thu nhập.

Hiện số dư nợ tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Như Xuân là 266.005 tỷ đồng với 10.061 hộ đang vay. Các hộ vay đều sử dụng nguồn vốn để đầu tư, xây dựng các mô hình trồng cây cao su, trồng keo và chăn nuôi trâu, bò..
Ông Phùng Bá Hồng, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Như Xuân cho biết, để giúp các hộ dân tham gia vay vốn phát triển kinh tế, thời gian qua, Ngân hàng chích sách xã hội huyện Như Xuân đã thực hiện tốt chương trình cho vay sản xuất; tạo điều kiện cho hơn 5.000 hộ nghèo vay vốn, hơn 4.000 hộ cận nghèo, thoát nghèo được tiếp cận vay vốn với mức ưu đãi, vay lãi suất thấp để phát triển kinh tế.

Đến nay, các chương trình này đã phát huy được hiệu quả thiết thực, giúp nhiều người dân vượt khó có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Chị Lê Thị Miến, trú tại thôn Vân Tiến, xã Cát Vân cho hay, chị vay vốn theo diện hộ nghèo, lúc khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng, cuộc sống ban đầu khó khăn, vất vả, chị phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống, nhưng cuộc sống vẫn không thể thoát nghèo.

Năm 2003, chị vay 3 triệu tại Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Như Xuân để mua 1 con nghé, 1 con bò để chăn nuôi.
Sau đó, chị vay thêm 30 triệu đồng xây dựng 1 trang trại tổng hợp bao gồm chăn nuôi trâu, bò, lợn, kết hợp trồng cây keo, cây sắn, mía.

Đến nay, trang trại chị đã có 15 con bò, 3 con trâu, 15 con lợn, 5 ha trồng cây keo, 1 ha trồng mía, thu nhập mỗi năm của gia đình chị hơn 100 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn vay sản xuất từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Như Xuân, gia đình chị Miến đã từng bước vươn lên thoát nghèo.
Theo nhận xét của chị Lương Thị Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cát Vân huyện Như Xuân, khi gia đình chị Miến gặp khó khăn, hội phụ nữ xã đã đến động viên, tư vấn cho gia đình chị biết về những ưu đãi của các chương trình cho vay tín dụng ưu đãi hộ nghèo để giúp chị vay được nguồn vốn để phát triển kinh tế.

Nếu như năm 2010 trang trại chị chỉ có 0,5 ha, thì đến năm 2017, tổng diện tích trang trại chị đã là gần 7 ha, hiện gia đình chị Miến là một trong những hộ dân tiêu biểu của xã đã vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay sản xuất này.
Tương tự, chị Lê Thị Lệ trú tại thôn Thanh Xuân, xã Hóa Qùy huyện Như Xuân, cho biết, năm 2008, chị rời quê nhà xuống thị trấn làm thuê rồi mở quán bán nước, tuy đã làm lụng vất vả nhưng cuộc sống vẫn không đủ ăn, trong khi các con lại đang tuổi đi học.

Trang trại bò nhà chị Lệ vay từ vốn ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: TTXVN

Trong một lần lên xã họp hội phụ nữ, chị được những người đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay tại Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Như Xuân tư vấn để vay vốn phát triển kinh tế, từ đó chị nảy sinh ý tưởng phát triển kinh tế theo mô trình trang trại tổng hợp để làm giàu.

Năm 2011, chị về quê lập nghiệp, chị quyết định vay vốn 30 triệu theo diện hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Như Xuân, chị dùng nguồn vốn vay này mua 1 con bò sinh sản, 1 con lợn nái, kết hợp trồng các loại cây lâm nghiệp như cao su, keo.
Do vừa chăn nuôi, vừa trồng rừng kinh tế nên cuộc sống lúc này rất vất vả, chị định bỏ nghề, nhưng nghĩ tới gia đình, các con nên chị vẫn tiếp tục. Sang năm 2016, chị đã mua được 1 ha đất để chăn nuôi bò, chị mua thêm 5 con bò, xây chuồng lợn, trồng thêm cỏ voi, mía.

Đến nay, gia đình đã có 10 con bò, 2 con lợn, 1,3 ha cây cao su trồng trên đồi, tổng diện tích đất nông nghiệp của gia đình chị là 3 ha, thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình chị gần 100 triệu đồng.
Bà Lê Thị Bích, Chủ tịch hội phụ nữ xã Hoa Qùy cho biết, hiện trong xã có 531 hộ vay vốn, tổng số tiền vay Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Như Xuân là trên 12 tỷ đồng, các hộ nông dân vay vốn để phát triển trồng trọt chăn nuôi, nhiều hộ sau khi vay vốn kinh doanh đã thành công, vươn lên làm giàu.
Nhờ các chương trình cho vay sản xuất này, các hộ gia đình nghèo sống tại khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa đã có được nguồn vốn để đầu tư, phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi qua đó, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục