Hỗ trợ ngành công nghiệp gỗ Việt Nam mở rộng thị trường tại EU

14:38' - 30/11/2016
BNEWS Theo bà Ann Weddle, Giám đốc dự án này từ NEPCon, dự án đã xây dựng bộ công cụ để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng các yêu cầu về gỗ hợp pháp và có thể làm việc với khách hàng châu Âu.
Hỗ trợ ngành công nghiệp gỗ Việt Nam mở rộng thị trường tại EU. Ảnh: TTXVN

Ngày 30/11, tại Tp.Hồ Chí Minh, Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng (SFMI) phối hợp với NEPCon tổ chức hội thảo tổng kết dự án Tăng cường năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm đáp ứng các yêu cầu kế hoạch hành động về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) của EU.

Dự án do SFMI và NEPCon (Tổ chức phi lợi nhuận quốc tế), hoạt động nhằm xây dựng năng lực và cam kết để thúc đẩy sự bền vững. Dự án này thực hiện với sự tài trợ của EU.

Theo bà Ann Weddle, Giám đốc dự án này từ NEPCon, sau 3 năm thực hiện, dự án đã xây dựng bộ công cụ để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng các yêu cầu về gỗ hợp pháp và có thể làm việc với khách hàng châu Âu.

Bộ công cụ này gồm các tờ thông tin, hướng dẫn, bảng kiểm, và các biểu mẫu có thể dễ dàng áp dụng ngay, được cung cấp miễn phí cho tất cả các công ty có nhu cầu tại Việt Nam.

Đồng thời, nghiên cứu và soạn thảo các hồ sơ rủi ro pháp lý lâm nghiệp cho Việt Nam và 5 quốc gia khác mà Việt Nam có nhập gỗ.

Các hồ sơ rủi ro sẽ giúp các công ty gỗ tại Việt Nam đánh giá rủi ro pháp lý khi nhập gỗ từ các quốc gia đó, từ đó giúp họ có thể bán sản phẩm sang thị trường EU dễ dàng hơn.

Đại diện doanh nghiệp tham gia dự án cho biết, thông qua dự án này, các doanh nghiệp được trang bị kỹ những kiến thức về gỗ hợp pháp, các quy định của EU và yêu cầu của Kế hoạch hành động FLEGT.

Đặc biệt, bộ công cụ do dự án xây dựng rất hữu ích trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đánh giá và quản lý nguồn cung ứng gỗ, từ đó giúp doanh nghiệp sẵn sàng với các yêu cầu của FLEGT.

Trước đó, ngày 18/11/2016, sau nhiều năm đàm phán, Việt Nam và EU đã đạt được thỏa thuận đồng ý về nguyên tắc để làm việc cùng nhau hướng tới giảm khai thác gỗ bất hợp pháp, cải thiện quản trị rừng và xúc tiến thương mại gỗ được sản xuất một cách hợp pháp thông qua Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) về FLEGT (VPA/FLEGT).

Bà Nguyễn Tố Uyên, Ban Hợp tác phát triển Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, mặc dù VPA chỉ là một thỏa thuận song phương, nhưng nó sẽ có tác động vượt xa ngoài biên giới Việt Nam do Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm của thương mại toàn cầu về các sản phẩm gỗ.

Việc ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện sẽ giúp nâng cao tiêu chuẩn trong nước và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các thị trường ngoài EU dễ dàng hơn.

Để thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam phải đưa những thỏa thuận trong VPA vào các luật hiện hành có liên quan.

Chính sách liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp cần phát triển một hệ thống giúp xác minh tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ trong chuỗi cung ứng.

Hệ thống này cũng sẽ đưa ra hướng dẫn giúp các nhà nhập khẩu gỗ Việt Nam thực hiện các bước nhằm đảm bảo rằng những gì họ nhập khẩu là hợp pháp..../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục