Hoàn thành cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng năm 2020: Thách thức chờ đợi nhà đầu tư

16:52' - 23/11/2017
BNEWS Thách thức đặt ra với nhà đầu tư dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vào năm 2020 khi mốc thời gian đã cận kề, để hoàn thành dự án này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương.
Các nhà thầu đang tập trung nguồn lực để hoàn thành dự án cao tốc Bắc - Giang Lạng Sơn trong năm 2020. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Tại phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội hôm 18/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, để hoàn thành đồng bộ tuyến cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn vào năm 2020, thì cần triển khai ngay cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị. Như vậy thời gian phải hoàn thành dự án này đã cận kề sẽ là thách thức không nhỏ với các bộ, ngành và bản thân nhà đầu tư thực hiện dự án này.
Vì sao phải thực hiện sớm?
Theo Thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công tại buổi kiểm tra hiện trường xử lý vướng mắc tại dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn ngày 13/11/2017, “Để đảm bảo tính khả thi của dự án, kết nối và hoàn thành đồng bộ toàn tuyến cao tốc Bắc Giang - Cửa khẩu Hữu Nghị trước năm 2020, giảm nợ công của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất đề xuất của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc giao nhà đầu tư BOT Bắc Giang - Lạng Sơn nghiên cứu, tính toán phương án chuyển đổi hình thức đầu tư đoạn tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng từ nguồn vay ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á) sang đầu tư bằng nguồn vốn trong nước đảm bảo hiệu quả cho toàn tuyến cao tốc”.
Còn theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP - Bộ Giao thông Vận tải), hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản chấp thuận đề xuất của nhà đầu tư về chủ trương nghiên cứu đầu tư bổ sung đoạn Chi Lăng – Cửa khẩu Hữu Nghị vào dự án Bắc Giang – Lạng Sơn theo hình thức BOT và đồng thời đã gửi văn bản cùng nhà đầu tư đề nghị đia phương đồng thuận để làm cơ sở báo cáo Thủ tướng tổ chức thực hiện.
“Xác định, nếu tách riêng đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng ra thành một dự án, sẽ không thể hoàn được vốn. Do vậy, chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải là bổ sung đoạn tuyến này vào dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn trên cơ sở tính toán lại phương án tài chính đảm bảo hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình”, ông Huy chia sẻ.
Tại văn bản của UBND tỉnh Lạng Sơn do Chủ tịch Phạm Ngọc Thưởng ký gửi Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã bày tỏ sự sốt ruột khi dự án cao tốc đoạn Chi Lăng – Hữu Nghị chưa được khởi công sẽ ảnh hưởng chung đến sự phát triển kinh tế địa phương, đồng thời sự chậm trễ này cũng sẽ ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.
Vì vậy, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành chuyển tuyến cao tốc này sang đầu tư bằng BOT và gộp chung vào dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, đồng thời cũng chỉ định luôn Công ty BOT Bắc Giang – Lạng Sơn làm chủ đầu tư dự án cao tốc Chi Lăng – Hữu Nghị.
Về giải pháp xử lý vướng mắc của dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Tp. Lạng Sơn và phương án bổ sung đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng để kết nối vào dự án gửi Bộ Giao thông Vận tải ngày 18/11 vừa qua, nhà đầu tư dự án này cho hay: “Nếu như địa phương, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải không tích cực hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc tại dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn, nhà đầu tư dự kiến cho “tạm dừng thi công từ tháng 1/2018 để chờ phương án xử lý của cấp có thẩm quyền”.
Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc Giang - Tp. Lạng Sơn đoạn Km45+100 – Km108+500 và tăng cường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 – Km106+500 theo hình thức hợp đồng BOT. Đến nay, theo chủ đầu tư thì hợp phần quốc lộ 1 đã cơ bản hoàn thành. Hợp phần cao tốc nhận mặt bằng và thi công được 44/64 km, khối lượng đạt khoảng 20%, tổng giá trị đã giải ngân là 2.797 tỷ đồng/11.575 tỷ đồng (24,2%).
Theo ông Trần Văn Thế, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn (SBRC - nhà đầu tư dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn), hiện dự án đang gặp một số khó khăn vướng mắc; trong đó có nguy cơ “vỡ” phương án tài chính.
Cụ thể các nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ “vỡ” phương án tài chính theo ông Thế gồm: việc đặt 2 trạm thu phí trên quốc lộ 1 trong phạm vi dự án dài 110 km có nguy cơ xung đột với người dân khi triển khai thu phí; việc chậm triển khai không hoàn thành đoạn nối kết còn lại Hữu Nghị - Chi Lăng theo kế hoạch 2019 làm ảnh hưởng lưu lượng xe tính toán do việc khai thác không đồng bộ tuyến cao tốc hành lang kinh tế Hà Nội – Lạng Sơn – Nam Ninh (Trung Quốc).
“Nếu xét việc hoàn thành đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng vào năm 2023 thì phương án tài chính dự án BOT Bắc Giang – Tp. Lạng Sơn bị mất cân đối dòng tiền trong 5 năm đầu, giá trị âm khoảng 1.500 tỷ đồng, dẫn đến ngân hàng sẽ dừng giải ngân”, ông Trần Văn Thế cho biết.
Cũng theo ông Trần Văn Thế: “Khi tiếp nhận dự án, theo kế hoạch, đoạn cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị sẽ hoàn thành đồng bộ với dự án Bắc Giang - Lạng Sơn vào năm 2019. Tuy nhiên, đến nay, đoạn tuyến Chi Lăng - Hữu Nghị vẫn không được thực hiện khiến lưu lượng xe của cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn sụt giảm so với tính toán ban đầu khi đi vào thu phí. Dòng tiền bị mất cân đối, phương án tài chính dự án bị phá vỡ, nhà đầu tư và ngân hàng sẽ không thể thu hồi vốn”.

Hợp phần tăng cường Quốc lộ 1 đoạn qua địa phận tỉnh Lạng Sơn thuộc Hợp đồng BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã hoàn thành. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Thách thức chờ đợi nhà đầu tư
Theo ông Trần Văn Thế, để tránh xung đột, đảm bảo hài hòa lợi của người dân, nhà nước và doanh nghiệp, nhà đầu tư dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đã chủ động đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bỏ 1 trạm thu phí trên quốc lộ 1 (tại Km24+900) theo hợp đồng dự án đã được phê duyệt.
“Đồng thời, nhà đầu tư cam kết tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng từ 10,81% (theo quy định của pháp luật) lên đến 30%; giảm lợi nhuận vốn chủ sở hữu trong giai đoạn vận hành khai thác từ 11,5%/năm xuống 11%/năm”, ông Thế khẳng định.
Cùng với đó, nhà đầu tư dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn sẽ tập trung tối đa nguồn lực của các nhà đầu tư trong nước đẩy nhanh tiến độ thi công để tiết giảm tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng do giảm chi phí trượt giá, tăng hiệu quả bù đắp và hoàn thành dự án trong năm 2020. Sử dụng nguồn chiết giảm trên của đoạn Bắc Giang – Lạng Sơn ứng ra trước để thực hiện ngay việc giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, đại diện nhà đầu tư này cũng cho rằng để thực hiện được kế hoạch này đòi hỏi địa phương, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải phải vào cuộc hết sức tích cực.
Cụ thể, đối với tỉnh Lạng Sơn, cần hoàn thành bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư để nhà thầu khởi công trong tháng 1/2018 (sử dụng kinh phí do nhà đầu tư ứng ra ngay từ chiết giảm dự phòng để thực hiện).
Về phía Bộ Giao thông Vận tải, Bộ cần chấp thuận giải pháp thực hiện kết nối đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng vào dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn trước ngày 10/12/2017 và ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh làm cơ sở nhà đầu tư ký hợp đồng tín dụng trước 31/12/2017 để kịp thời khởi động dự án trong tháng 1/2018, nếu không dự án khó có thể hoàn thành trong năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 326 ngày 1/3/2016, tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn dài 153km sẽ hoàn thành đồng bộ vào năm 2020. Hiện nay, đoạn tuyến Hà Nội - Bắc Giang dài 46 km được đầu tư bằng hình thức BOT đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 7/2016.
Trong khi đó, 64 km cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng (Tp. Lạng Sơn), kết hợp với tăng cường mặt đường Quốc lộ1 đoạn Km1+800 - Km106+500 đang được triển khai xây dựng theo hình thức BOT và sẽ hoàn thành trong năm 2019.

Còn lại, 43km đoạn từ Chi Lăng - Cửa khẩu Hữu Nghị đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt quyết định đầu tư ngày 14/6/2016 với tổng mức đầu tư khoảng 8.743 tỷ đồng./.
>>>Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng: Vướng mắc cơ chế tài chính, đề xuất hình thức đầu tư khác

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục