Hoàn thành quyết toán Dự án di dân Thủy điện Sơn La trong Quý I/2016

14:33' - 28/12/2015
BNEWS Tỉnh Sơn La phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 50% số xã trong vùng tái định cư thủy điện đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới.

Ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết, Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo các sở ngành, đơn vị, các huyện liên quan phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành quyết toán toàn bộ Dự án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La trong quý I/2016, đồng thời hoàn thiện Đề án “Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào vùng tái định cư các công trình thủy điện” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quý I/2016 hoàn thành quyết toán Dự án di dân Thủy điện Sơn La. Ảnh: Xuân Trường/TTXVN.

Trong năm 2015, tỉnh Sơn La đã tập trung tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc kéo dài nhiều năm, như: giải quyết thu hồi vốn đối ứng lai tạo giống bò thịt chất lượng cao; bàn giao đường giao thông tỉnh lộ 107 (Chiềng Ngàm – Chiềng Khoang, Liệp Muổi – Mường Sại), giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất mặt bằng công trình Nhà máy thủy điện Sơn La, thực hiện cơ chế điều chỉnh kế hoạch vốn linh hoạt đáp ứng kịp thời thanh toán cho các hạng mục dự án đã có khối lượng hoàn thành.

Đồng thời, tỉnh đã giải ngân đền bù hỗ trợ cho 3.270 hộ dân tái định cư với hơn 412 tỷ đồng; cấp trên 2.800 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân tái định cư ở 2 huyện Quỳnh Nhai và Mường La, (đạt 100% số hộ tái định cư).

Bên cạnh đó, tỉnh đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công dự án tại các khu, điểm tái định cư, hoàn thành 346 dự án đưa vào sử dụng.

Theo UBND tỉnh Sơn La, trong tổng số 252 điểm tái định cư nông thôn đã xây dựng được 681 mô hình chăn nuôi bò, nuôi lợn nái, gà, dê; 59 mô hình trồng trọt. Các mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập và ổn định đời sống đối với các hộ tái định cư.

Điển hình như: mô hình nuôi bò cái nền sinh sản tại điểm tái định cư Long Sầy 2, xã Mường Hung, huyện Sông Mã thu nhập bình quân 50 triệu đồng/năm/hộ; mô hình nuôi dê sinh sản tại điểm tái định cư Huổi Khoong, xã Chiềng Khoong (huyện Sông Mã) thu nhập bình quân 40 triệu đồng/năm/hộ.

Mô hình chăn nuôi lợn (lợn thịt, lợn nái) của bà con tái định cư bản Nặm Dên, xã Chiềng Sơn, điểm tái định cư Suối Tôn, xã Tà Lại, huyện Mộc Châu thu nhập bình quân từ 35-50 triệu đồng/hộ/năm.

Mô hình trồng rau sạch của bà con điểm tái định cư bản Đoàn Kết, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn cho thu nhập bình quân từ 55 - 100 triệu đồng/hộ/năm.

Xây dựng cơ sở hạ tầng tại điểm tái định cư phường Chiêng Sinh, thành phố Sơn La. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN.

Nhiều điểm tái định cư, đồng bào đã xây dựng, phát triển được vùng nguyên liệu tập trung hàng hóa như mía, ngô, chè, cà phê phục vụ cho công nghiệp chế biến, đem lại hiệu quả kinh tế cao và đã có 17 điểm tái định cư trồng và chế biến chè với diện tích 333 ha, giúp đồng bào tái định cư có việc làm ổn định, từng bước nâng cao đời sống.

Các thôn, bản tái định cư ven hồ, được hỗ trợ của nhà nước đồng bào đã từng bước chuyển dần từ việc đánh bắt tôm, cá tự nhiên sang nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện Sơn La. Tại huyện Quỳnh Nhai đã có 7 hợp tác xã thủy sản và một số hộ dân tham gia nuôi với trên 200 lồng cá, tập trung ở các xã Chiềng Bằng, Mường Giàng, Chiềng Ơn. Sản lượng cá nuôi lồng ước đạt 270 tấn/năm. Riêng, xã Chiềng Bằng đến nay đã phát triển được 157 lồng với trên 100 hộ tham gia.

Để giúp người dân phát triển nuôi cá lồng và tạo môi trường du lịch lòng hồ, huyện Quỳnh Nhai đã phối hợp với các doanh nghiệp phát triển các loại cá tầm, cá lăng, các loại cá nước ngọt vừa phát triển kinh tế vừa phục vụ du khách đến vùng lòng hồ với hình thức doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm.

Tại địa bàn huyện Mường La, Công ty TNHH Một thành viên cá tầm Việt Nam -Sơn La đã nuôi ương 80.000 con giống;  trong đó, chuyển nuôi thương phẩm 35.000 con. Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ thương mại nông nghiệp Mường La nuôi 6.000 con cá lăng, 3.000 con cá diêu hồng; 50.000 con cá rô phi đơn tính. Bên cạnh đó, huyện Mường La chú trọng hỗ trợ các hộ dân ven hồ đầu tư lồng cá, con giống để bà con phát triển thủy sản, làm thay đổi tập quán sản xuất thay vì phá rừng làm nương như trước đây.

Tuy nhiên, tại các điểm tái định cư vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại như: một số dự án, chủ yếu là dự án xây dựng cơ sở hạ tầng (hệ thống công trình giao thông, thủy lợi) đã bị hư hỏng, xuống cấp do mưa lũ. Các dự án ở vùng sâu, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, địa hình phức tạp triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, dẫn đến chậm tiến độ.

Đối với Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà xây dựng thủy điện Hòa Bình thuộc tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 - 2015 (viết tắt là Đề án 1460), trong đề án này, tỉnh Sơn La gồm 50 xã và 2 thị trấn thuộc 5 huyện: Phù Yên, Mộc Châu, Bắc Yên, Mường La, Mai Sơn, bao gồm 664 bản, số dân trong vùng Đề án là 54.153 hộ. Đến nay, Sơn La mới phê duyệt quy hoạch chi tiết 26 điểm tái định cư xen ghép. Tỉnh cũng đã tiến hành giải ngân bồi thường cho các hộ dân trên 37,6 tỷ đồng, đồng thời hỗ trợ sản xuất cho 3.415 hộ (giá trị 45,5 tỷ đồng).

Trong năm 2016, tỉnh Sơn La tiếp tục hoàn thiện Đề án “Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào cùng tái định cư các công trình thủy điện”, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về công tác bồi thường, hỗ trợ theo chính sách và bồi thường giải phóng mặt bằng xây dựng các dự án, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất, giao thông đi lại thuận lợi, thông thương của nhân dân tại các khu, điểm tái định cư ở tỉnh Sơn La.

Tỉnh Sơn La phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 50% số xã trong vùng tái định cư thủy điện đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục