Hoàn thành và đưa vào sử dụng 88/95 dự án nhà ở sinh viên

15:33' - 09/12/2016
BNEWS Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, cả nước đã có 88/95 dự án nhà ở sinh viên hoàn thành đưa vào sử dụng, giúp cải thiện chỗ ở cho số lượng lớn học sinh, sinh viên có nhu cầu ở nội trú.
Khu nhà ở học sinh, sinh viên khu Pháp Vân-Tứ Hiệp. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề được chú trọng kể từ khi Chính phủ quy định chi tiết tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 20/4/2009 và Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg ngày 20/4/2009.

Theo đó, trong giai đoạn 2009-2015, nhà nước đã dành nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ để đầu tư xây dựng 95 dự án nhà ở cho sinh viên các cơ sở đào tạo tại 29 địa phương và các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Tổng mức đầu tư cho các dự án lên tới 19.000 tỷ đồng; trong đó, vốn trái phiếu Chính phủ là 17.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ giải quyết chỗ ở cho khoảng 330.000 sinh viên. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 88/95 dự án nhà ở sinh viên hoàn thành đưa vào sử dụng, đáp ứng chỗ ở cho khoảng gần 200.000 sinh viên. Cùng đó, 7 dự án còn lại cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Thống kê từ các địa phương và ngành chức năng cho thấy, số lượng sinh viên, học sinh đã được bố trí vào ở đạt tỷ lệ bình quân chung khoảng 82%. Hai địa phương hoàn thành nhiều các dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Điển hình tại Hà Nội có khu nhà ở dành cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp đã được đưa vào sử dụng từ tháng 1/2015. Dự án được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, trên khu đất có diện tích hơn 40.000m2 trong Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) với 6 tòa nhà có sức chứa lên tới 22.000 sinh viên.

Tuy nhiên, nếu xét về công suất thì hiện nhà ở cho sinh viên vẫn chưa lấp đầy trong khi nhu cầu được cho còn rất cao. Một số ý kiến cho rằng phải xem xét về vị trí của các dự án. Nhiều địa phương bố trí quỹ đất xa khiến việc di chuyển của sinh viên khó khăn, nhất là trong tình trạng thường xuyên tắc đường ở các đô thị như hiện nay.

Bởi vậy, nhiều sinh viên đã chọn phương án thuê nhà ở gần trường, cho dù chi phí phải trả cao hơn, điều kiện sống không tốt bằng các khu ký túc xá nhưng đổi lại là không mất quá nhiều thời gian di chuyển từ nơi ở đến trường học. Đây cũng là đòi hỏi thực tế cần được xem xét, nghiên cứu để các dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên thật sự phát huy ý nghĩa, hiệu quả./.

>>> Nhu cầu mua nhà ở cuối năm tăng cao

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục