Hoàn thiện cơ chế chính sách để nâng cao năng lực cho ngành năng lượng quốc gia

19:25' - 21/06/2017
BNEWS Chiều 21/6, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức Hội nghị cấp cao nhân dịp lễ ra mắt Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG).

Đây là cơ hội để các Đối tác Phát triển và Bộ Công Thương trao đổi quan điểm về phát triển ngành năng lượng ở Việt Nam.

Bộ Công Thương Việt Nam (MOIT) và Các Đối tác Phát triển (DPs) chủ trương hợp tác phát triển năng lượng tại Việt Nam trong bối cảnh của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu.

Các bên sẽ nỗ lực làm cho viện trợ phát triển (ODA) phù hợp với các hệ thống và chính sách của quốc gia ở mức có thể. Việc này bao gồm cả những nỗ lực tạo điều kiện cho đầu tư nhiều hơn trong năng lượng bền vững, để tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ năng lượng hiện đại và cải thiện hiệu quả việc sử dụng năng lượng cũng như cơ sở hạ tầng năng lượng.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Hiện nay, năng lượng đóng vai trò then chốt cho sự phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tháng 9 năm 2015, Việt Nam và đa số các quốc gia trên thế giới đã thông qua các mục tiêu phát triển bền vững nhằm xóa nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người, được xem là một phần của Chương trình nghị sự phát triển bền vững mới.

Đối với Việt Nam hiện nay, để đáp ứng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã tăng rất nhanh, khoảng 11,5% trong trong giai đoạn 2001-2010, trước khi có sự giảm nhẹ từ năm 2011 đến 2013 và tiếp tục tăng nhanh từ năm 2014 đến nay. Nhu cầu tiêu thụ điện năng của Việt Nam cũng đã tăng trung bình 13,0%/năm trong giai đoạn 2006-2010 và khoảng 11%/năm trong các năm 2011 đến 2016.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, ngành năng lượng giữ vai trò cốt yếu cho quá trình công nghiệp hóa và tăng trưởng của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm và giành ưu tiên cao cho các nỗ lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể đến năm 2020 đạt khoảng 100 - 110 triệu TOE năng lượng sơ cấp và khoảng 310 - 320 triệu TOE vào năm 2050.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia điều chỉnh giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 đặt ra các mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm trong giai đoạn 2016-2030.

Theo đó, dự kiến đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 60.000 MW, định hướng đến năm 2030, con số này đạt khoảng 129.500 MW.

Chính phủ Việt Nam đang dành các khoản đầu tư lớn cho lĩnh vực năng lượng, không ngừng xây dựng, cải cách và hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Với bối cảnh nêu trên, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng, tăng cường cơ chế phối hợp và đối thoại, đồng thời hoàn thiện cơ chế chính sách để nâng cao năng lực, hiệu quả, tính bền vững và thích ứng cho ngành năng lượng quốc gia cũng như thực hiện các cam kết quốc tế hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Điều này bao gồm các cam kết tạo điều kiện cho tăng cường đầu tư vào năng lượng bền vững, mở rộng cơ hội tiếp cận các dịch vụ năng lượng hiện đại, nâng cấp cơ sở hạ tầng năng lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Các cuộc tham vấn giữa các Đối tác phát triển và các cơ quan Chính phủ Việt Nam thời gian gần đây cũng đã khẳng định việc thiết lập Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) là cần thiết, và các đối tác chính trong VEPG sẽ gồm Bộ Công Thương, các Bộ và cơ quan nhà nước khác cùng các Đối tác phát triển hoạt động trong lĩnh vực năng lượng hoặc các lĩnh vực có liên quan trực tiếp.

Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam nhấn mạnh: "Phát triển năng lượng bền vững là mục tiêu chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam và chúng tôi cam kết sẽ cố gắng hết mức để giúp Việt Nam giải quyết thách thức này. Công việc này đòi hỏi một phương án toàn diện có tính đến những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đạt được nền kinh tế xanh hơn thông qua năng lượng bền vững là rất tốt đối với Việt Nam và vì vậy tốt với tất cả chúng ta."

Tại Hội nghị, Đại Sứ Bruno Angelet và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng ký kết Ý định thư cho việc Hợp tác liên tục hướng tới một ngành năng lượng bền vững và hiệu quả ở Việt Nam.

Bên lề lễ ra mắt Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam, Liên minh châu Âu cùng 11 nước thành viên là Đức, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Ireland, Italy, Luxembourg, Slovakia, Tây Ban Nha, Anh và Việt Nam đã ký Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng bền vững.

Tuyên bố chung này nhằm tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của EU trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững số 7 “Đảm bảo việc tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người và Mục tiêu phát triển bền vững số 13 “Có biện pháp khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của nó” đã được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh về Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc vào ngày 25/9/2015, cũng như trong Đóng góp do Quốc gia tự quyết định Việt Nam đã được gửi cho Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực từ ngày 4/11/2016.

Tuyên bố chung trên sẽ hỗ trợ các cam kết của Việt Nam trong việc cung cấp một cách hiệu quả năng lượng có chất lượng cao dành cho phát triển xã hội, đa dạng hóa trong đầu tư và mô hình kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, phát triển một thị trường năng lượng cạnh tranh và thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo cũng như sử dụng năng lượng hiệu quả.

Theo Tuyên bố chung, EU và 11 nước thành viên EU sẽ nỗ lực cung cấp hỗ trợ kỹ thuật dành cho Việt Nam để đạt được các mục tiêu đã được đưa vào trong các chiến lược quốc gia nêu trên, điều chỉnh tối ưu chính sách, thúc đẩy và chuẩn bị cho các dự án tăng cường năng lực có liên quan.

Cụ thể, có việc xác định nhu cầu đổi mới sáng tạo dành cho các công nghệ năng lượng sạch và cung cấp sự chuyển giao công nghệ giữa EU và Việt Nam, với trọng tâm là lĩnh vực năng lượng tái tạo.

EU và 11 nước thành viên EU cũng sẽ giúp Việt Nam trong việc xác định và giới thiệu các dự án năng lượng tiềm năng có thể được tài trợ với sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, nhằm cải thiện sự cung cấp và tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ năng lượng hiện đại và các-bon thấp cùng nhiều hỗ trợ khác.

Về phía Việt Nam, Việt Nam sẽ phải nỗ lực nhằm tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển một số lĩnh vực năng lượng hiện đại và bền vững; đồng thời hỗ trợ cho các mô hình kinh doanh có hiệu quả kinh tế…/.

>>> Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên giúp tiết kiệm nước và năng lượng

>>> Sử dụng hiệu quả năng lượng trong ngành xây dựng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục