Hoàn thiện những "điểm trống" trong Luật Thống kê (sửa đổi)

14:01' - 21/10/2015
BNEWS Luật Thống kê sửa đổi lần này không những sẽ khắc phục những bất cập, mà còn đáp ứng yêu cầu đánh giá, dự báo tình hình, xây dựng kế hoạch, chính sách, quản lý điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: Tổng cục Thống kê
Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) năm 2015 sẽ được trình và thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định, Luật Thống kê sửa đổi lần này không những sẽ khắc phục những bất cập, một số tồn tại mà còn đáp ứng yêu cầu đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch, chính sách, quản lý điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

* Còn một số “khoảng trống”

Luật Thống kê đã được Quốc khóa XI, Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 7/6/2003. Sau hơn mười năm thực hiện, Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thống kê; hình thành hệ thống tổ chức thống kê và sự phối hợp giữa cơ quan thống kê trung ương với thống kê bộ, ngành ngày càng tiến bộ...

Luật Thống kê sửa đổi có vai trò quan trọng trong định hướng, xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế xã hội. Ảnh: TTXVN

Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ thống kê và Công nghệ Thông tin, Tổng cục Thống kê, ông Đào Ngọc Lâm cũng chỉ ra rằng, công tác phân tích và dự báo thống kê phát triển chậm, phổ biến thông tin thống kê làm chưa tốt, vừa thiếu, vừa chồng chéo. Trong một số trường hợp do phương pháp tính khác nhau dẫn đến chưa thống nhất về số liệu; sự phối hợp giữa hệ thống thống kê tập trung với thống kê Bộ, ngành chưa chặt chẽ.

Hệ thống thống kê tập trung còn khó tiếp cận khai thác thông tin từ nguồn dữ liệu hành chính và dữ liệu đăng ký hành chính của các Bộ, ngành... Ngoài ra, việc tiếp cận với cơ sở dữ liệu ban đầu của các cuộc điều tra, tổng điều tra thống kê chưa thực sự thuận lợi; đồng thời, còn thiếu các quy định cụ thể về việc ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến hay các quy định về thẩm quyền của Cơ quan Thống kê Trung ương.

Bên cạnh đó, trong Luật Thống kê 2003 cũng chưa quy định cụ thể về hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; các hình thức thu thập, sử dụng, phổ biến thông tin thống kê; cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia; hợp tác quốc tế về thống kê.

Ngoài ra, những quy định về ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông chưa tương xứng với vai trò của nó trong hoạt động thống kê. Công tác phổ biến số liệu thống kê Việt Nam đến quốc tế chưa kịp thời.

TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nhận định, sau hơn 10 năm thi hành Luật Thống kê năm 2003, cùng với thực tiễn đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế, quản lý Nhà nước về thống kê và công tác thống kê thực tế vẫn còn đang bộc lộ một số bất cập, còn một số “khoảng trống” chưa thật hợp lý.

* Nâng cao hiệu quả công tác thống kê

Người đứng đầu ngành thống kê, TS Nguyễn Bích Lâm cho rằng, để làm ra được số liệu thống kê là kết quả của cả một quá trình và là một xâu chuỗi các chủ thể cung cấp; sử dụng thông tin thống kê và chủ thể nào cũng có vị trí quan trọng, không thể thay thế.

"Để giải quyết câu chuyện chất lượng số liệu có nhiều vấn đề, nhiều mắt xích được Ban soạn thảo Luật Thống kê (sửa đổi) đưa ra bàn thảo và thấy rằng cần phải được sửa đổi, bổ sung trong Luật Thống kê năm 2003. Theo đó, dự thảo Luật đã đưa danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia vào Luật và hệ thống này được Quốc hội điều chỉnh, bổ sung.

Người dân mua hàng tại siêu thị. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Dự thảo Luật còn bổ sung, sửa đổi một số điều khoản nhằm tăng cường vai trò của người thực hiện thu thập, tổng hợp và biên soạn thông tin thống kê; kết cấu lại một số điều khoản để làm rõ chức năng của Cơ quan Thống kê Trung ương trong thẩm định các nội dung quan trọng trong hoạt động thống kê của bộ, ngành.

Dự thảo Luật cũng nhấn mạnh đến mục “sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước” nhằm tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có, tăng tính chính xác, kịp thời của thông tin thống kê, tiết kiệm chi phí và giảm phiền hà, gánh nặng cho người cung cấp thông tin và người thu thập thông tin thống kê, đồng thời cũng phù hợp với xu hướng của thống kê thế giới.

Bên cạnh những sửa đổi trên, trong Luật Thống kê (sửa đổi) còn có giải pháp nâng cao trách nhiệm của người sử dụng thông tin thống kê. TS Lâm cho rằng, trách nhiệm của người sử dụng số liệu thống kê phải hiểu các con số thống kê phản ánh gì, từ đó đề ra những chính sách cho phù hợp.

Theo đó, dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) năm 2015, tại Chương VI Sử dụng thông tin thống kê Nhà nước cũng đề cập đến vấn đề này. Chương này đề cập khá rõ về các quy định đối với sử dụng thông tin thống kê Nhà nước, các vấn đề về bảo mật thông tin thống kê Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng thông tin thống kê Nhà nước.

Theo ông Trần Tuấn Hưng, người sử dụng thông tin được bình đẳng trong tiếp cận, sử dụng thông tin thống kê đã công bố. Tuy nhiên, Luật cũng nêu rõ người sử dụng thông tin đã công bố phải trung thực và ghi rõ nguồn thông tin; khi sử dụng cũng phải bảo mật và chịu trách nhiệm về tính chính xác, phù hợp của số liệu thống kê sử dụng so với số liệu thống kê được công bố.

Bà Trần Thị Kim Thu, nguyên trưởng Khoa Thống kê, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bày tỏ, để có những chính sách và quyết sách đúng đắn, có tính khả thi cao thì một trong những vấn đề cốt lõi mà Chính phủ phải quan tâm đầu tiên là phải biết rõ những điểm mạnh, những điểm dễ bị tổn thương của quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế một cách cụ thể, định lượng rõ ràng chứ không thể là những thông tin định tính chung chung.

"Cần củng cố và coi trọng công tác thống kê và hiểu thấu đáo tầm quan trọng của công tác thống kê với việc hoạch định chính sách, đưa ra quyết sách và giám sát thực thi chính sách. Đồng thời, tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác thống kê trong tiến trình đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế là giải pháp thực sự cần thiết."- Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho hay./.

Thúy Hiền

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục