Hoàn thiện thể chế kinh tế nhằm chống chuyển giá

10:37' - 03/11/2015
BNEWS Khi đầu tư nước ngoài được tăng lên thì yếu tố chuyển giá của các nhà đầu tư nước ngoài cũng thường xuất hiện. Việc hoàn thiện các thể chế kinh tế chống chuyển giá là rất cần thiết.

Trong nền kinh tế hội nhập hiện nay, đầu tư của khu vực nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế ngày càng lớn. 

Tuy nhiên, khi đầu tư nước ngoài được tăng lên thì yếu tố chuyển giá của các nhà đầu tư nước ngoài cũng thường xuất hiện. Do đó, việc hoàn thiện các thể chế kinh tế hay việc thành lập cơ quan chống chuyển giá là rất cần thiết. 

Các đại biểu Quốc hội đã chia sẻ bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII ngày 3/11 xung quanh vấn đề này.
* Đại biểu Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu thành phố Hồ Chí Minh: Cần xem lại mức thuế thu nhập doanh nghiệp
Tôi cho rằng hình thức chuyển giá nếu hiểu theo một nghĩa nào đó là thủ tục tài chính để các công ty đa quốc gia có điều kiện tốt nhất giảm đi phần thuế cũng như phần đóng góp; đặc biệt đối với những quốc gia có mức thuế thu nhập doanh nghiệp còn cao.
Chuyển giá tự thân không phải là hành vi vi phạm pháp luật, mà là thủ tục tài chính. Nếu như công ty hay tập đoàn vi phạm pháp luật thì sẽ bị điều chỉnh bởi luật khác. Ví dụ như vấn đề trốn thuế, công cụ trốn thuế..., nhưng vấn đề khó nhất hiện nay là Bộ Tài chính đang rất nỗ lực và rất khó là tìm ra yếu tố bất hợp pháp để ngăn chặn.

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch. Ảnh: TTXVN

Chúng ta đang rà soát lại các luật, ví dụ như Luật Quản lý thuế, đặc biệt là quy trình giám sát đối với các hoạt động này. Tôi nói rõ là chúng ta không nên xem chuyển giá là hành vi hình sự, mà nó là thủ tục tài chính. Hiện nay Bộ Tài chính đã thành lập lực lượng chống chuyển giá và trước đây đã nỗ lực và phát hiện một số nơi.

Lâu nay chúng ta chưa quan tâm nhiều đến công tác hậu kiểm về thuế, bây giờ chúng ta phải làm tốt vấn đề này. Tuy nhiên về cơ bản, lâu dài chúng ta phải xem lại mức thuế thu nhập doanh nghiệp của nước ta, mức thuế này có tạo vùng trũng để chuyển giá hay không?
Theo tôi, chuyển giá xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, ví dụ các khách sạn 5 sao khi xây dựng ta nâng giá xây dựng lên để đưa khấu hao không thực, khi khấu hao không thực thì thuế thu nhập không có. Từ đó sẽ lãi ở các khâu khác qua các nguồn.

Dạng thứ 2 là các doanh nghiệp lập các công ty cung ứng nguyên liệu và đặc biệt có tình trạng một số tập đoàn cung ứng nguồn nguyên liệu đặc biệt. Ví dụ các tập đoàn lập một số công ty cung cấp nguyên liệu ở những nơi thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 0 hoặc không đáng kể. Ví dụ ở lĩnh vực may mặc, doanh nghiệp rất khó làm được việc chuyển giá vì tất cả các đầu vào đều có trên thị trường.
Theo quy định hiện nay, chống chuyển giá là chúng ta tìm một cái giá trên thị trường thế giới chấp nhận được về nguyên liệu. Tuy nhiên, việc này không dễ để thực hiện được. Ví dụ như Tập đoàn Coca-cola, nguồn nguyên liệu duy nhất là do công ty mẹ cung cấp, ngoài ra không có đơn vị nào cung cấp.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Trong nền kinh tế hội nhập hiện nay, cơ cấu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng, đóng góp của các thành phần kinh tế càng ngày càng lớn. Đầu tư nước ngoài giai đoạn 2006-2010 chiếm khoảng 18-19% trong tổng vốn đầu tư. Hiện nay, lên khoảng 23-25% tổng vốn đầu tư và ngày càng đóng góp cho GDP tăng trưởng.

Tôi cho rằng, khi đầu tư nước ngoài đang ngày càng lớn thì yếu tố chuyển giá của đầu tư nước ngoài cũng thường xuất hiện. Ở những nước có luật pháp chưa hoàn chỉnh, việc thành lập cơ quan chống chuyển giá là rất cần thiết, sẽ tăng được nguồn thu của ngân sách Nhà nước và chống thất thu thuế./.
Thành Trung – Thúy Hiền /BNEWS/TTXVN (Thực hiện)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục