Hoàn thiện thể chế pháp luật trong TPP

17:11' - 05/07/2016
BNEWS TPP đưa ra cơ chế tranh chấp giữa các nhà đầu tư đặt ra rất nhiều thách thức đối với Việt Nam trong việc thực thi pháp luật.
Hội nghị “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – Sự tương thích với pháp luật và thể chế của Việt Nam. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS

Kết luận tại hội nghị “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – Sự tương thích với pháp luật và thể chế của Việt Nam” ngày 5/7, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông khẳng định:

“Qua hội nghị này chúng ta thấy rõ được công việc của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan phải tiếp tục rất nhiều để sau khi được phê chuẩn, đưa TPP vào thực tiễn đời sống, mang lại lợi ích thiết thực và tạo động lực mới cho đất nước trong tiến trình hội nhập”.

Theo ông Lê Minh Thông, qua hội nghị này, không chỉ là câu chuyện phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, mà còn là câu chuyện phải nhìn nhận lại để có những giải pháp, kế hoạch, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo lập hành lang pháp lý phù hợp với TPP và tạo ra khả năng mới cho phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để nhìn nhận lại một cách toàn diện thể chế, từng bước hoàn thiện vững chắc thể chế để hội nhập thành công, phát triển đúng với định hướng mà đường lối chính trị đã định ra. Ông Thông nhấn mạnh.

Theo Tờ trình của Chủ tịch nước, Quốc hội sẽ xem xét để phê chuẩn TPP theo đúng quy định luật pháp của Việt Nam và quốc tế.

Tuy nhiên điều quan trọng hơn là sau khi được phê chuẩn, Quốc hội phải dồn hết công sức để hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tận dụng được các cơ hội mà TPP đem lại cho Việt Nam cũng như khắc phục các thách thức sẽ gặp phải khi thực thi TPP.

Vấn đề chính là ở chỗ căn cứ vào yêu cầu của TPP cũng như các hiệp định tự do khác để tiếp tục hoàn thiện có chất lượng hệ thống pháp luật, giúp Việt Nam có cơ sở pháp lý vững chắc trong phát triển kinh tế, phát triển xã hội và hội nhập quốc tế một cách bền vững.

TPP yêu cầu một hệ thống pháp lý chặt chẽ với nhiều tiêu chuẩn cao. Ảnh: khucongnghiepnhonhoa

Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, qua quá trình rà soát danh mục văn bản quy phạm pháp luật, trong tổng số 194 văn bản rà soát, Bộ Tư pháp đề xuất Chính phủ bổ sung sửa đổi 34 văn bản, bao gồm 10 luật, 22 nghị định, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

Đồng thời đề nghị ban hành mới 9 văn bản, bao gồm 1 luật, 7 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và bãi bỏ 1 pháp lệnh.

Ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) cho biết, qua rà soát, phần lớn các cam kết, các luật Việt Nam đã có. Tuy nhiên, TPP đã đưa ra cơ chế tranh chấp giữa các nhà đầu tư đặt ra rất nhiều thách thức đối với Việt Nam trong việc thực thi pháp luật.

Bên cạnh đó, cam kết của TPP cũng mở rộng thêm về vấn đề lao động, tham nhũng, môi trường… Do đó, bên cạnh việc hoàn thiện các vấn đề này cũng như hoàn thiện văn bản pháp luật cũng cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước nhằm đảm bảo sự minh bạch trong quá trình thực thi.

Đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư trong các vấn liên quan đến cạnh tranh quốc tế, trong khi các doanh nghiệp cũng cần quan tâm hơn, tận dụng những lợi ích mà TPP mang lại.

Trong khi đó, ông Ngô Quang Ất, Phó vụ trưởng Vụ Hành chính (Bộ Nội vụ) cho rằng, TPP yêu cầu minh bạch và bình đẳng, không phân biệt đối xử trong việc phát triển các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật… giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, trong nước và ngoài nước nhưng ở Việt Nam còn ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước sẽ là cản trở lớn trong quá trình thực hiện TPP.

Ngoài ra, vấn đề cải cách thủ tục hành chính vẫn còn nhiều phức tạp, tình trạng giấy phép con không giảm, dẫn đến phiền hà cho doanh người dân và doanh nghiệp.

Do đó, ông Ngô Quang Ất đề nghị kiên quyết loại bỏ hơn 3.500 giấy phép con đang gây phiền nhiễu để cởi trói cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp Việt Nam thực sự là động lực phát triển trong quá trình hội nhập./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục