Hồi kết cho cuộc khủng hoảng Qatar vẫn còn xa vời

06:30' - 03/07/2017
BNEWS Một thực tế địa chính trị mới đang hình thành tại Trung Đông. Liên minh Qatar, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ ra đời để đối đầu với Saudi Arabia và các đồng minh. Song liệu liên minh đó có bền vững?

Thủ đô Doha của Qatar. Ảnh: Reuters

Theo trang mạng expert.ru, tối hậu thư mà Saudi Arabia và các đồng minh đưa ra với Qatar có thể coi là đã bị bác bỏ. Căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh dường như còn rất xa mới đến hồi kết.

Việc ngay lập tức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran được cho là một trong những điều kiện quan trọng nhất mà Saudi Arabia đưa ra để bình thường hóa quan hệ với Qatar. Tuy nhiên, Qatar đã từ chối yêu cầu cắt đứt quan hệ với Iran.

Tổng thống Iran Hasan Rouhani trong cuộc điện đàm đã tuyên bố với Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani rằng ông hoàn toàn ủng hộ nước láng giềng phía Nam của mình trong xung đột với Saudi Arabia.

Hơn thế nữa, ông còn bày tỏ sự sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cần thiết, thậm chí cả lương thực, trong trường hợp chính quyền Qatar đề nghị. Quốc vương Qatar cảm ơn vì sự ủng hộ và bày tỏ sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Iran - điều rất giống với lời từ chối tối hậu thư mà Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đưa ra.

Trong tối hậu thư được chuyển cho Qatar thông qua Kuwait ngày 23/6 có 13 điểm.

Ngoài việc chấm dứt mọi quan hệ, kể cả quan hệ ngoại giao, giữa Qatar và Iran, nội dung của tối hậu thư bao gồm cắt đứt quan hệ giữa Qatar và những tổ chức mà Saudi Arabia và các đồng minh cho là tổ chức khủng bố, thu hẹp phạm vi phát sóng kênh truyền hình Al Jajeera ra nước ngoài, đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar và nộp một khoản đền bù lớn.

Chính quyền Qatar bình luận thận trọng về tối hậu thư. Đại diện chính phủ Sheikh Saif Bin Ahmed Al Thani tuyên bố 13 yêu cầu này đang được nghiên cứu, tuy nhiên không thể được thực hiện toàn bộ. Nói cách khác, Qatar cho thấy có thể phải thương lượng về một số yêu sách.

Qatar đã mạnh bạo lên tiếng sau khi nhận được sự ủng hộ cứng rắn từ nước ngoài. Cuộc điện đàm với ông Rouhani, bằng chứng về lời từ chối thực hiện yêu cầu chính của tối hậu thư, đã diễn ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện sự ủng hộ.

Ngày 25/6, ông Recep Tayyip Erdogan đã đứng về phía Qatar, tuyên bố sức ép từ các quốc gia Arập đối với Qatar là đi ngược lại luật pháp quốc tế. Ông gọi yêu cầu đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ là vô lý và xúc phạm.

Điều này làm dấy lên câu hỏi về những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Chắc chắn các biện pháp “thuần hóa” mà Saudi Arabia có thể áp dụng với Qatar vẫn còn rất nhiều, như nền tảng cốt lõi của nền kinh tế đó là ngành công nghiệp khai thác khí đốt.

Đóng cửa các đường ống dẫn khí từ Qatar là việc Saudi Arabia và các đồng minh hoàn toàn có khả năng thực hiện, ít nhất là trong một thời gian, nhưng họ cũng sẽ gánh chịu áp lực từ phía châu Âu và Mỹ do biện pháp này.

Khu vực biên giới Abu Samra giữa Saudi Arabia và Qatar. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, đối với Qatar, việc thực hiện yêu sách của Saudi Arabia khiến họ phải trả cái giá rất đắt. Họ sẽ phải ngừng việc hợp tác khai thác mỏ dầu khí South Pars lớn nhất trên thế giới với Iran.

Tuy vậy, việc đứng vào hàng ngũ đồng minh của Iran cũng không thể làm Qatar hài lòng, vì nó kéo theo rất nhiều hậu quả khó chịu. Trước hết, điều này đồng nghĩa với mâu thuẫn không chỉ với Saudi Arabia mà còn với Mỹ, điều mà Qatar không thể cho phép mình làm.

Mỹ hiện tại không cảm thấy vui vẻ gì khi trục Iran - Thổ Nhĩ Kỳ - Qatar hình thành ngay trước mắt. Vì vậy, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đề nghị Qatar thực hiện một phần tối hậu thư. Đề nghị này có phần mang tính thỏa hiệp và thực tiễn.

Về nguyên tắc, Qatar có thể thực hiện một số yêu sách. Ví dụ, họ đã bắt đầu âm thầm thay đổi màu sắc các chương trình của Al Jazeera. Có vẻ như kênh truyền hình này sẽ không còn nhạo báng quá mức các chế độ không vừa mắt Qatar, ít nhất là trong thời gian trước mắt.

Về yêu cầu ngừng hậu thuẫn các tổ chức khủng bố, Qatar và Saudi Arabia khó có thể thỏa thuận trong vòng 10 hay 100 ngày vì khái niệm “khủng bố” rất khó xác định trong thực tiễn Trung Đông. Điều khiến hạng mục này càng khó khăn hơn là sự xích lại gần nhau hơn bao giờ hết giữa Qatar và Iran.

Nhiều đối tượng bị coi là khủng bố đối với Saudi Arabia, nhưng không bị coi là khủng bố đối với Qatar và ngược lại. Rõ ràng quan điểm hai nước không hề được mối nguy cơ chung là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) kéo lại gần nhau hơn. Ngược lại, hoạt động của tổ chức này có thể trở thành nhân tố khoét sâu thêm những bất hòa giữa hai nước.

Như vậy, đàm phán và thực hiện một phần tối hậu thư là lối thoát tốt ưu nhất cho Qatar vào lúc này, hơn là trông chờ vào lòng thương xót của Iran hay Saudi Arabia. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là không chắc Riyadh mong muốn hòa bình hay không.

Đặc biệt là khi hiện nay Saudi Arabia đang thay đổi hoàng tử kế vị - giờ đây là Hoàng tử Mohammed bin Salman trẻ tuổi, bốc đồng và tham vọng, người không rõ có nhãn quan như thế nào về cuộc khủng hoảng hiện nay. Ông đang kiểm soát chính sách đối ngoại của Saudi Arabia và có thể sẽ muốn buộc Qatar quỳ gối.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục