Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp: Tăng cường hiệu quả thực thi Nghị quyết 35

11:50' - 17/05/2017
BNEWS Có 75% doanh nghiệp đánh giá tác động của 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 35/ NQ-CP là “tích cực”.
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp: Tăng cường hiệu quả thực thi Nghị quyết 35. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” diễn ra ngày 17/5 tại Hà Nội, các bộ, ngành và địa phương, cùng các hiệp hội ngành nghề và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều kiến nghị nhằm tăng cường hiệu quả triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp tới năm 2020.
Theo kết quả khảo sát nhanh của VCCI vào cuối năm 2016 đầu năm 2017 cho thấy, có 75% doanh nghiệp đánh giá tác động của 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 35/ NQ-CP là “tích cực”, chỉ có 25% doanh nghiệp cho biết chưa nhận thấy tác động của các nhóm giải pháp này.

Các đánh giá này không phải là cảm tính, mà dựa trên những con số về các kết quả đạt được trên thực tế, thể hiện những bước tiến rõ rệt trong công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, theo phân tích của các đại biểu tại hội nghị, Nghị quyết 35/ NQ-CP chưa được triển khai hiệu quả như kỳ vọng.

Các doanh nghiệp chưa được tạo thuận lợi một cách thực chất và môi trường kinh doanh còn chậm được cải thiện; chưa tạo được động lực thúc đẩy công cuộc cải cách thể chế, chủ yếu là do các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, cơ chế phân định quyền hạn và trách nhiệm còn thiếu rõ ràng.
Chính từ thực tế đó, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để khắc phục nhiều hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực thi, dẫn tới hiệu quả triển khai các chính sách, cơ chế hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương xóa bỏ mọi định kiến, rào cản.

Đồng thời, cải cách mạnh các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm; khuyến khích các hộ, cá nhân tự nguyện liên kết hình thành doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực.
Ngoài ra, các bộ ngành cần khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy định về đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo thống nhất với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các luật liên quan, nhằm đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh, minh bạch và dễ tuân thủ.

Bên cạnh đó, rà soát, kiến nghị sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tính giá thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các mức thuế sử dụng đất, nhằm tháo gỡ khó khăn tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp; rà soát quy hoạch đảm bảo tính nhất quán và công khai minh bạch thông tin quy hoạch.
Thu hút mối quan tâm lớn của các cấp, ngành và doanh nghiệp chính là làm sao giảm thiểu chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm, cần khắc phục ngay các bất cập trong quản lý các dự án BOT, mức thu phí, vị trí thu phí; chuyển sang thu phí điện tử không dừng, áp dụng công nghệ phù hợp để giám sát thu phí.
Cùng với đó, đấu thầu công khai trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BOT; có các giải pháp phù hợp để giảm lãi suất; đẩy nhanh xử lý vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản để trả nợ cho doanh nghiệp, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp.

Ngoài ra, thực hiện chủ trương thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với một doanh nghiệp không quá 1 lần/năm; trong đó, lưu ý việc phối hợp thanh tra liên ngành ở cấp địa phương, tập trung trong các lĩnh vực nổi cộm như thuế, kiểm toán, môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động…
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thân cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhằm làm sao giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.

Bởi lẽ, khi chi phí sản phẩm tăng ngày càng cao thì hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng giảm thấp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần xây dựng tập quán, tuân thủ pháp luật; chủ động nâng cao năng lực. Với các doanh nghiệp lớn cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ trong tiêu thụ sản phẩm để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch, Tập đoàn BRG bày tỏ mong muốn, Chính phủ cần sớm có cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển hoạt động kinh doanh một cách bình đẳng với các thành phần kinh tế khác ở Việt Nam. Bên cạnh đó, cần có hành lang pháp lý cụ thể và rõ ràng để tạo nền tảng cho doanh nghiệp phát triển.
“Chúng tôi kỳ vọng đây là mốc đánh dấu, sự chuyển đổi để cho doanh nghiệp phát triển; đồng thời, Chính phủ cần không hình sự hóa các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để chúng tôi tự tin dấn thân thử thách trong những lĩnh vực mới, góp phần khai thác hiệu quả đối với những ngành rủi ro cao”.
Chủ tịch Tập đoàn TH True Milk, bà Thái Thị Hương cũng có những kiến nghị về việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho sản phẩm sữa Việt Nam; việc mở rộng và phát triển thị trường cả trong và ngoài nước.

Bà Hương nhấn mạnh, để Việt Nam thực sự trở thành bếp ăn của thế giới, chúng ta cần ban hành ngay các tiêu chuẩn về sản phẩm sữa để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh, phát triển trong kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục