Hơn 100 nghìn người nghèo được vay vốn chính sách đi xuất khẩu lao động

14:56' - 06/05/2017
BNEWS Tính đến hết tháng 3/2017, tổng dư nợ cho vay xuất khẩu lao động đạt trên 509 tỷ đồng với 13.377 khách hàng còn dư nợ.
Hơn 100 nghìn người nghèo được vay vốn chính sách đi xuất khẩu lao động. Ảnh: Laodongngoainuoc.vn

Ngân hàng Chính sách Xã hội vừa cho biết, tín dụng ưu đãi đối với hoạt động đưa người lao động đi xuất khẩu lao động tại ngân hàng này đến nay đã giải ngân cho gần 108.580 hộ gia đình với gần 2.500 tỷ đồng.

Cụ thể, chương trình đã giúp cho 109.462 lao động thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách và người đi lao động tại các huyện nghèo được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài. Cùng với đó doanh số thu nợ của chương trình cũng đạt gần 2.014 tỷ đồng cho thấy chính sách đạt hiệu quả rất tốt.

Tính đến hết tháng 3/2017, tổng dư nợ cho vay xuất khẩu lao động đạt trên 509 tỷ đồng với 13.377 khách hàng còn dư nợ.

Cho vay xuất khẩu lao động của Ngân hàng Chính sách Xã hội đang được đánh giá là kênh tín dụng giúp các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ gia đình sinh sống tại các huyện nghèo và đặc biệt với đối tượng vay là người dân tộc thiểu số có điều kiện để cải thiện cuộc sống, thoát nghèo, nâng cao trình độ.

Nhờ được vay vốn đi xuất khẩu lao động mà người lao động đi nước ngoài làm việc có thu nhập và gửi tiền về giúp gia đình có tiền vốn làm ăn tại quê nhà.

Theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội, nguồn vốn cho vay đi xuất khẩu lao động từ Ngân hàng Chính sách Xã hội được nhân dân đón nhận và đồng tình ủng hộ, góp phần đáng kể vào chương trình giảm nghèo tại địa phương nói riêng và của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nói chung.

Đồng thời, nhờ phát triển được phong trào đi lao động ở nước ngoài đã đem về đất nước một lượng ngoại tệ đáng kể, mở rộng quan hệ hợp tác giữa các nước, giúp đất nước hội nhập và phát triển.

Cùng với đó, người lao động đi nước ngoài làm việc còn được tiếp xúc với khoa học kỹ thuật tiên tiến, phong cách làm việc khoa học, hiện đại nên người lao động đã thay đổi được nhận thức, nâng cao trình độ nghề nghiệp, tích lũy được kinh nghiệm để khi trở về nước có điều kiện mở doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm cho gia đình và cộng đồng.

Và đây là kiến thức cần có, là tiền đề cho người lao động sau khi hết hợp đồng về nước tham gia lao động sản xuất kinh doanh có năng suất, chất lượng cao hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục