Họp báo Bộ Tư pháp giải đáp nhiều vấn đề nóng

19:37' - 19/10/2017
BNEWS Chiều 19/10, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo công tác tư pháp quý III/2017.

Số lượng văn bản nợ ban hành giảm dần

Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết, trong quý III/2017, Bộ đã hoàn thiện và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 12 đề án, văn bản; thẩm định 59 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển. Ảnh: Tuổi trẻ

Bộ Tư pháp đã kiểm tra 855 văn bản của các bộ, ngành, địa phương; bước đầu phát hiện 54 văn bản sai về nội dung, trong đó có 7 văn bản của bộ, cơ quan ngang bộ, 47 văn bản của địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành nợ đọng nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.

Tính đến 30/9/2017, đã ban hành được 83/96 văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực. Số lượng văn bản nợ ban hành giảm dần so với các năm trước (giảm 44 văn bản so với cùng kỳ năm 2015 và giảm 22 văn bản so với cùng kỳ năm 2016). Đặc biệt, Bộ Tư pháp không nợ văn bản quy định chi tiết nào.
Về công tác thi hành án dân sự năm 2017 (tính từ ngày 1/10/2016 đến ngày 30/9/2017), đã thi hành xong 549.415 việc, đạt 79,25%, tăng 0,72% so với năm 2016; về tiền, đã thi hành xong trên 35.242 tỷ đồng, đạt 38,31%, tăng 21,12% so với năm 2016.

Như vậy, so với nhiệm vụ Quốc hội giao, hệ thống thi hành án dân sự đã vượt chỉ tiêu cả về việc (vượt 9,24%) và về tiền (vượt 8,3%).
Thông tin về một số nhiệm vụ trọng tâm trong quý IV/2017, Chánh Văn phòng Đỗ Đức Hiển nhấn mạnh, Bộ Tư pháp tổ chức triển khai thi hành các luật mới được thông qua, nhất là công tác tập huấn chuyên sâu nội dung cơ bản của các luật như: Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh và tình hình xử lý các văn bản đã được kết luận sai về nội dung.

Đối với công tác thi hành án dân sự năm 2018, Bộ Tư pháp tập trung giải quyết có hiệu quả các vụ việc phức tạp, kéo dài; chuẩn bị tốt để thi hành các vụ án lớn, trọng điểm mới được xét xử.

Không nhận xét việc chấp hành chủ trương, pháp luật vào Sơ yếu lý lịch công dân

Tại cuộc họp báo chiều 19/10, Bộ Tư pháp đã trả lời nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động của ngành Tư pháp trong thời gian qua.
Về việc một số địa phương chứng thực chữ ký trong Sơ yếu lý lịch của công dân không đúng quy định, ông Đỗ Đức Hiển cho biết, tình trạng này là có thực, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, gây bất lợi cho công dân khi sử dụng Sơ yếu lý lịch.

Để chấn chỉnh tình trạng này, ngày 25/8, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực đã có công văn yêu cầu Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố tiếp tục phổ biến, quán triệt và chỉ đạo tất cả các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực trên địa bàn tuyệt đối không phê nội dung nhận xét về việc chấp hành chủ trương, pháp luật, chính sách, quy định… của Đảng, Nhà nước, địa phương vào Sơ yếu lý lịch của công dân.

Các cơ quan chỉ thực hiện chứng thực chữ ký của người yêu cầu trên Sơ yếu lý lịch theo đúng quy định của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch; đồng thời kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức vi phạm Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.
Trả lời báo chí về tính pháp lý xung quanh việc Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) từ chối đăng kiểm hàng nghìn ô tô chưa nộp phạt nguội theo danh sách của Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) gửi sang, ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, việc này liên quan đến quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và sử dụng trang thiết bị nghiệp vụ phục vụ phát hiện vi phạm hành chính.

Qua rà soát, trình tự và thủ tục cụ thể liên quan đến phạt nguội thông qua hệ thống giám sát chưa được ban hành. Điều đó dẫn đến việc thực hiện các thủ tục trong quá trình xử phạt gặp khó khăn, vướng mắc.
Theo Cục trưởng Đặng Thanh Sơn, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã áp dụng quy định tại Khoản 6 Điều 4 Thông tư số 70/2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Theo đó, không kiểm định đối với xe “đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền”; đồng thời cho biết, trong thời gian tới sẽ đề xuất với lãnh đạo Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an xây dựng thông tư quy định cụ thể về quy trình, thủ tục xử phạt hành chính thông qua hệ thống giám sát và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ, sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012./.

>>> Hà Nội lần đầu triển khai dịch vụ hồ sơ lý lịch tư pháp trực tuyến

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục