Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8: Tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục không cần thiết

20:51' - 30/08/2017
BNEWS Những kết quả kinh tế đạt được trong 8 tháng hết sức đáng mừng để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 tổ chức chiều ngày 30/8 ở Hà Nội, Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, những kết quả kinh tế đạt được trong 8 tháng hết sức đáng mừng để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong tháng qua, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Chính phủ đã có phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; trong đó có thảo luận về cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Hiện theo thống kê đang có tới 5.719 điều kiện kinh doanh.

Thủ tướng đã giao Tổ công tác của Thủ tướng tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát, cắt giảm những thủ tục không cần thiết.

Về thuế, phí đối với doanh nghiệp, một số phí như phí BOT còn cao mà theo thống kê tổng phí vận tải doanh nghiệp phải đóng lên tới 70 loại, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải rà soát các quy định hiện hành về phí BOT để có giải pháp giải quyết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Ngoài ra, chi phí kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn lớn với tỉ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan lên tới 35%. Việc này, Chính phủ đã yêu cầu phải giảm còn 15%.

“Sắp tới Tổ công tác của Thủ tướng sẽ tiếp tục kiểm tra từng bộ, ngành về từng thủ tục kiểm tra và các Bộ sẽ phải giải trình về từng thủ tục, nếu thủ tục nào không cần thiết hoặc kiểm tra nhiều mà phát hiện quá ít vi phạm thì yêu cầu Bộ bãi bỏ” Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định tại buổi họp báo.

Bộ trưởng cũng cho biết, các Bộ, ngành và địa phương cần nghiên cứu kết quả rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về kiến nghị cắt giảm và sửa đổi gần 2.000 điều kiện kinh doanh.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, có nhiều cơ sở để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,7%.

Cụ thể, đối với lĩnh vực nông nghiệp, phải tăng trưởng 3,05%; trong đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản khá tốt, có khả năng đạt 35 tỷ USD so với kịch bản 33 tỷ USD, tình hình thời tiết thuận lợi hơn so với cùng kỳ năm 2016.

Về công nghiệp, dù ngành khai khoáng vẫn giảm nhưng khu vực sản xuất nhưng sản xuất điện, chế biến, chế tạo tăng.

Ngoài ra, cơ sở cho tăng trưởng đạt mục tiêu kế hoạch còn dựa vào yêu cầu thực hiện việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, lãi suất tiếp tục giảm 0,5% cũng như tăng trưởng tín dụng đạt 21-22%.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 21/8, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 10,06% so với tháng 12 năm 2016.

Lãi suất liên ngân hàng nhìn chung có xu hướng giảm; thị trường ngoại hối tiếp tục có diễn biến ổn định, thanh khoản thị trường tốt, các nhu cầu giao dịch hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được hệ thống ngân hàng đáp ứng đầy đủ.

Cũng tại buổi họp báo, giải đáp thắc mắc về đối tác đầu tư xây dựng Cảng hàng không sân bay Long Thành, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hiện tại Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai các Nghị quyết chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng Cảng hàng không sân bay Long Thành.

Cho đến thời điểm này, Đồng Nai đã thực hiện xong nghiên cứu khả thi về đền bù giải phóng mặt bằng. Bộ Giao thông Vận tải đang tuyển chọn tư vấn để nghiên cứu khả thi của sân bay Long Thành.

Dự kiến việc nghiên cứu sẽ đến năm 2018 và giữa năm 2019 sẽ trình Chính phủ, theo đúng quy định của Bộ Xây dựng về đầu tư.

Liên quan đến việc đề xuất đầu tư Cảng hàng không sân bay Long Thành, quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là hoan nghênh tất cả các nhà đầu tư và những người quan tâm đến đầu tư.

Trong nghiên cứu tiền khả thi của dự án để xin chủ trương đầu tư cũng đã nghiên cứu định hướng một số hạng mục Nhà nước có thể sử dụng vốn đầu tư công, một số có thể thu hút được thành phần kinh tế khác.

Tuy nhiên, dự án đang trong giai đoạn tuyển chọn, tư vấn, chưa hoàn thành xong nghiên cứu khả thi.

Đến khi được các cấp thẩm quyền, ở đây là Chính phủ thẩm định, trình Quốc hội thông qua, bước tiếp theo Bộ mới xem xét lựa chọn đầu tư theo hướng công khai, minh bạch, thu hút vốn đầu tư vào hạng mục của khối kinh tế tư nhân và đầu tư công theo đúng quy định đầu tư xây dựng của Nhà nước.

Về quan ngại với các nhà đầu tư, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, việc lựa chọn nhà đầu tư phải trên cơ sở các tiêu chí, có đánh giá, lựa chọn thông qua đấu thầu./.

Xem thêm:

>>>Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng cấp dưới chưa đồng hành

>>>Huy động thêm 200 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục