Hợp tác liên kết nông dân cần xuất phát từ thực tiễn

15:51' - 20/08/2015
BNEWS Động lực hợp tác liên kết của nông dân rất đa dạng. Ý thức về lợi ích lâu dài và tư duy sản xuất gắn với thị trường là hai nhân tố hàng đầu làm nên tính kỷ luật và sự gắn kết của nông dân với các liên kết.

Ngày 20/8, tại Hà Nội, tổ chức Oxfam đã công bố báo cáo nghiên cứu “Hợp tác liên kết nông dân trong sản xuất nông nghiệp theo tiếp cận thúc đẩy quyền, tiếng nói, lựa chọn của nông dân: Hiện trạng và khuyến nghị chính sách”.

Nghiên cứu do Tổ chức Oxfam, Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển thực hiện tại 3 tỉnh của 3 vùng khác nhau là Ninh Bình, Lâm Đồng và Đồng Tháp. Nghiên cứu lần nữa khẳng định, phát triển kinh tế hợp tác là chủ trương lớn, đúng đắn.

Tuy nhiên, việc ban hành và thực thi các chính sách còn rất nhiều vướng mắc, khó khăn. Việc đảm bảo chia sẻ lợi ích và rủi ro công bằng, nắm bắt được nhu cầu hợp tác liên kết của các bên, đặc biệt là nông dân để tổ chức hiệu quả và bền vững các liên kết chưa được nhìn nhận và thúc đẩy phù hợp.

Qua nghiên cứu cũng cho thấy, xu hướng liên kết qua tổ chức của nông dân ngày càng phổ biến hơn so với hình thức liên kết trực tiếp giữa nông dân với doanh nghiệp qua các hợp đồng kinh tế và là lựa chọn tốt hơn trong việc đảm bảo quyền lợi và tiếng nói của nông dân.

Mô hình tổ hợp tác đang tăng mạnh do nông dân mong muốn liên kết trong điều kiện phù hợp với năng lực và nhu cầu của mình. Gần 75% nông dân thể hiện mối quan tâm tới các nguyên tắc dân chủ và minh bạch trong hợp tác liên kết để họ được quyền có tiếng nói trong quá trình ra quyết định.

Bà Nguyễn Thị Lê Hoa, đại diện Oxfam tại Việt Nam cho rằng, phát triển hợp tác liên kết cần xuất phát từ điều kiện thực tiễn, từ nhu cầu, nguyện vọng, cũng như năng lực hợp tác liên kết đa dạng của nông dân. Nông dân quan tâm tới nhu cầu chia sẻ lợi ích và rủi ro, muốn được ở thế chủ động trong quá trình hình thành và thực thi hợp tác liên kết chứ không muốn bị áp đặt một khuôn mẫu về mô hình và cách thức hợp tác. Nông dân cần được tạo niềm tin và cơ hội để chứng minh khả năng nội lực của mình, cần được hỗ trợ để tham gia vào các mối quan hệ đối tác mới.

Tổng hợp từ số liệu thống kê, tính từ thời điểm Luật Hợp tác xã 2003 đến nay, nhà nước đã ban hành 143 chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về kinh tế tập thể. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Văn Thục, Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển, trưởng nhóm nghiên cứu, cách hiểu về phát triển kinh tế hợp tác còn chưa chính xác, chưa bắt kịp với thực tiễn phát triển.

Nhiều chính sách ban hành chưa giúp thúc đẩy đúng bản chất, vai trò của tổ chức nông dân như đối tác độc lập trong phát triển, mà có xu hướng thiên lệch trong phát triển hợp tác xã hơn so với tổ hợp tác. Các chính sách còn chồng chéo và kém hiệu quả trong thực thi; thiếu chính sách “đòn bẩy” để tạo đột phá.

Báo cáo chỉ ra rằng động lực hợp tác liên kết của nông dân rất đa dạng. Ý thức về lợi ích lâu dài và tư duy sản xuất gắn với thị trường là hai nhân tố hàng đầu làm nên tính kỷ luật và sự gắn kết của nông dân với các liên kết. Đặc thù địa phương, điều kiện sản xuất nông nghiệp, quyết tâm, tầm nhìn của chính quyền địa phương có ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động hợp tác liên kết.

Doanh nghiệp muốn tham gia hợp tác liên kết hiệu quả cần đặc biệt quan tâm tới tinh thần hợp tác lâu dài, các phương án chia sẻ lợi nhuận và rủi ro tốt hơn, phương án tính giá minh bạch và hợp lý hơn để khuyến khích cam kết của nông dân.

Năng lực đội ngũ quản lý, cơ chế điều hành và quy chế minh bạch thông tin là ba tác nhân quan trọng tạo sự khác biệt về liên kết, hợp tác nông dân. Tư duy thị trường của các thành viên tổ chức nông dân và nông dân tham gia hợp tác liên kết là kim chỉ nam định hướng chất lượng sản phẩm, tính linh hoạt và mức độ thích ứng của các liên kết, ông Nguyễn Văn Thục nhấn mạnh./.

Bích Hồng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục