Hưng Yên chuyển đổi hơn 7.000 ha đất lúa

12:46' - 13/05/2018
BNEWS Tỉnh Hưng Yên vừa phê duyệt kế hoạch chuyển đổi hơn 7.000 ha đất cấy lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản.
Một hộ nông dân trồng nhãn, làm kinh tế giỏi ở thành phố Hưng Yên. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

Trên cơ sở đó mở rộng các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn, tạo thành vùng nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, phục vụ tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp. 

Ông Nguyễn Minh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, tỉnh đã giao kế hoạch chuyển đổi cho các địa phương thực hiện từ nay đến năm 2020. Trước mắt, năm 2018 triển khai hơn 2.600 ha.

Tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố xác định loại cây trồng, thủy sản và vật nuôi phù hợp với vùng chuyển đổi, đáp ứng yêu cầu thời vụ, kỹ thuật, nhu cầu thị trường để hướng dẫn nông dân thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực.
Theo kế hoạch chuyển đổi, cây ăn quả lâu năm như nhãn lồng sẽ được trồng tập trung tại các huyện Khoái Châu, Kim Động, thành phố Hưng Yên, Tiên Lữ và một số xã ở huyện Ân Thi, Phù Cừ. Cây vải lai u, lai trứng chín sớm trung chủ yếu ở huyện Phù Cừ và một số xã của huyện Ân Thi.

Cây có múi (cam, quýt, bưởi) phù hợp với chuyển đổi đất tại những ruộng đất thịt của các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Yên Mỹ, thành phố Hưng Yên và mở rộng ở một số xã ở Phù Cừ, Ân Thi và Văn Lâm.
Cây ăn quả hàng năm như chuối, đu đủ, thanh long được chuyển đổi ở các vùng chân ruộng cao tại các huyện Khoái Châu, Yên Mỹ, Kim Động; hoặc trồng trên bờ ruộng đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản, ruộng trũng đất không chua đã được tôn cao. Với cây ăn quả khác như ổi, xoài, táo... các địa phương và nông dân tiếp tục mở rộng tại các khu vực đã chuyển đổi từ trước để tạo vùng sản xuất lớn.
Với những vùng chân ruộng cao, chất đất tốt ở các huyện Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm, Kim Động được chuyển đổi sang trồng nhóm dược liệu như tam thất, bạc hà, ngưu tất, nghệ, gừng, địa liền. Tại các huyện Văn Giang, Yên Mỹ, Khoái Châu, thành phố Hưng Yên tập trung trồng hoa cây cảnh hoặc sản xuất giống cây và các loại cây ăn quả lâu năm.
Các khu ruộng thuận lợi về tưới tiêu, ít bị ngập úng ở các huyện Văn Lâm, Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ, Mỹ Hào được chuyển đổi sang trồng nhóm cây rau quả thực phẩm như: cà chua, bí, đậu, cải, rau gia vị... bố trí theo phương thức luân canh, xen canh hợp lý để tăng vụ, phù hợp với khí hậu thời tiết từng mùa.

Những chân ruộng vàn, chất đất kém và trung bình tại các huyện Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Kim Động, thành phố Hưng Yên chuyển sang trồng cây làm thức ăn thô xanh để phục vụ chăn nuôi như cỏ voi, ngô...
Về nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng lúa hoặc cây ăn quả, tại các huyện Mỹ Hào, Yên Mỹ, Ân Thi, Tiên Lữ các diện tích đất lúa thường xuyên bị ngập úng, khó thoát nước, ruộng không bị chua, có nguồn nước tốt chuyển sang nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn thả các loại thủy cầm như: vịt, ngan, ngỗng; kết hợp trồng các loại cây ăn quả trên bờ để tăng hiệu quả sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Doanh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Sở sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số vùng, khu vực nhằm khai thác lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng nơi, góp phần tăng nhanh khối lượng nông sản hàng hóa và gia tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích.
Tỉnh coi trọng mở rộng các mô hình sản xuất hàng hóa theo hình thức tập trung quy mô lớn, phục vụ tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp. Việc lựa chọn cây trồng vật nuôi phải bám sát nhu cầu thị trường, khai thác lợi thế về đất đai, vị trí địa lý, tập quán và kỹ thuật canh tác của nông dân, sản phẩm có khả năng tiêu thụ tốt, ổn định.

Chuyển đổi phải gắn liền với ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới, bảo đảm hiệu quả kinh tế cao, bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục