Hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây điều

15:18' - 12/08/2017
BNEWS Đối với các vườn điều kinh doanh cho thu hoạch bị bọ xít muỗi, ngoài việc phun thuốc đặc trị, các nông hộ còn hun khói vào lúc sáng sớm, hoặc chiều tối để trị bọ xít muỗi…
 Cây điều khô cành, lá khó có khả năng phục hồi phát triển kịp vụ mùa năm sau. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Hiện các nông hộ trồng điều ở Đắk Lắk đang tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây điều, nhất là dồn lực phòng trừ bệnh thán thư, bọ xít muỗi trên 1.930 ha điều đang trong thời kỳ kinh doanh cho thu hoạch. Diện tích điều bị sâu bệnh hại như bọ xít muỗi, thán thư, sâu đục thân, xì mủ… ở tỉnh Đắk Lắk chủ yếu xảy ra các tại huyện Buôn Đôn, Krông Bông, Lắk.
Ngoài việc hướng dẫn nông dân kiểm tra, phân loại mức độ nhiễm bệnh của từng vườn điều kinh doanh cho thu hoạch mà sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đặc trị với liều lượng thích hợp, các đơn vị chức năng khuyến cáo sử dụng thuốc có hoạt chất citrus oil, alpla… với nông độ liều lượng pha trộn theo hướng dẫn ghi trên nhãn mác bao bì và phun thuốc theo phương pháp “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, nông độ và phun đúng lúc, đúng cách), phun lúc sáng sớm, chiều tối hoặc lúac trời mát.
Thuốc được phun theo hình thức xoáy trôn ốc từ xung quanh vườn vào trong, phun ướt đều tán cây điều. Đối với các vườn điều kinh doanh cho thu hoạch bị bọ xít muỗi, ngoài việc phun thuốc đặc trị, các nông hộ còn hun khói vào lúc sáng sớm, hoặc chiều tối để trị bọ xít muỗi…
Các nông hộ trồng điều ở Đắk Lắk cũng đã tiến hành làm vệ sinh vườn cây, làm sạch cỏ từng đường lô, bờ lô, tỉa cành tạo tán, cắt tỉa cành sâu bệnh, những cành không còn cho quả để thông thoáng hạn chế nơi trú ngụ các loài sâu bệnh.

Sau khi cắt tỉa cành sâu bệnh hại, các nông hộ tiến hành thu gom cành, lá, hoa, quả tiêu hủy sạch để hạn chế lây lan nguồn bệnh, đồng thời, bón phân đầy đủ, cân đối (không bón nhiều phân đạm ở vườn cây bị sâu bệnh hại) để vườn điều nhanh phục hồi.
Nhờ khoanh vùng chăm sóc kịp thời nên không những tránh được tình trạng lây lan mà nhiều diện tích điều sau khi bị sâu bệnh đã phục hồi phát triển trở lại. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiến hành kiểm tra, quy hoạch lại diện tích điều, nhất là hướng dẫn, tạo điều kiện để các nông hộ thay dần diện tích điều đã bị thoái hóa bằng các giống điều ghép, với ca giống mới như PN1, AB29, AB05-08…
Theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, đây là các giống điều không những cho năng suất cao từ 2,5 đến 4 tấn điều nhân/ha, đáp ứng tôt yêu cầu xuất khẩu mà còn chịu hạn, thích nghi với biến đổi khí hậu.

Các địa phương, đơn vị chức năng cũng cần tăng cường hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, chăm sóc cây điều cho các nông hộ, nhất là đồng bào ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm góp phần phát triển bền vững cây điều trên địa bàn.
Đắk Lắk hiện có trên 20.250 ha điều; trong đó chủ yếu là điều kinh doanh cho thu hoạch, diện tích điều kiến thiết cơ bản chỉ có 1.338 ha./.

>> Đắk Nông phòng chống dịch bệnh hại trên cây điều

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục