Hướng đi nào cho tình hình Triều Tiên trong thời gian tới?

05:30' - 05/05/2018
BNEWS Học giả Chu Phong, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Nam Hải, Đại học Nam Kinh cho rằng tình hình Triều Tiên có thể phát triển theo 3 kịch bản.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Trong bài viết đăng trên tạp chí Quan hệ quốc tế hiện đại (Trung Quốc), ông Chu Phong nhận định với kịch bản thứ nhất, Tổng thống Donald Trump có thể điều chỉnh chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên, chấp nhận các phương án phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên mang tính giai đoạn.

Ví dụ như đóng băng chương trình hạt nhân của Triều Tiên, ngừng thử hạt nhân, thanh tra cơ sở hạt nhân của Triều Tiên... Đồng thời Mỹ đưa ra những bảo đảm an ninh cho Triều Tiên, từng bước nới lỏng trừng phạt, bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Triều.
Sau đó một thời gian, các tổ chức thanh sát viên quốc tế có thể kiểm chứng về mức độ thực hiện cam kết của Triều Tiên và nếu mọi chuyện suôn sẻ, tiến trình ký kết hiệp định về việc giải giáp hạt nhân có thể diễn ra, quan hệ Mỹ-Triều được thiết lập và Washington cũng dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh cấm vận.
Hiện nay, một bộ phận dư luận Mỹ cho rằng việc thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên theo giai đoạn là sự lựa chọn sáng suốt, có lợi cho việc tái khởi động tiến trình giải quyết vấn đề này bằng biện pháp chính trị, ngoại giao và cũng có lợi cho Mỹ trực tiếp gây ảnh hưởng nhiều hơn đến Triều Tiên.
Kịch bản thứ hai là trong quá trình đối thoại liên Triều và Mỹ -Triều nảy sinh những khác biệt và bất đồng khiến đối thoại bị gián đoạn, Triều Tiên lại khôi phục thử tên lửa và hạt nhân, tình hình Triều Tiên căng thẳng trở lại.
Trong trường hợp này, chính quyền Donald Trump vừa “gây áp lực tối đa” vừa tiếp tục gia tăng đe dọa về quân sự, thậm chí không loại trừ khả năng sử dụng biện pháp tấn công mạng, tăng cường tần suất triển khai máy bay không người lái, hay sử dụng biện pháp tấn công mang tính trừng phạt vào một số mục tiêu quân sự của Triều Tiên được lựa chọn kỹ.
Kịch bản thứ ba, là trong tay Kim Jong-un có những quân bài tốt đủ sức thuyết phục Mỹ, đưa tiến trình đối thoại Mỹ - Triều dần hướng đến xu hướng “hợp tác chiến lược”. Khả năng này tuy thấp nhưng cũng không nên loại trừ. 
Tác giả Chu Phong cho rằng dù tình hình Triều Tiên có diễn biến theo chiều hướng nào thì cũng có một số điểm cần lưu ý như sau: Thứ nhất, nhận thức chung và quyết tâm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên của cộng đồng quốc tế là không thay đổi.
Việc Tổng thống Trump muốn đối thoại với Triều Tiên cho thấy chính sách với Triều Tiên của Mỹ không chỉ có mỗi mặt “cứng rắn” mà còn có sự “mềm dẻo”. Quan hệ Mỹ-Triều ngày nay chính là sản phẩm của hơn 70 năm thù địch và đối đầu, bởi vậy cuộc gặp sắp tới đang được xem như một “canh bạc thế kỷ”. 
Thứ hai, chính quyền Hàn Quốc dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Moon Jae-in đã nỗ lực thúc đẩy tiếp xúc, đối thoại liên Triều, qua đó làm cầu nối cho đối thoại Mỹ - Triều. Những động thái này phản ánh rõ nét mong muốn hòa bình kiên định và nỗ lực ngoại giao của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, Hàn Quốc không phải là nhân tố quyết định chiều hướng vấn đề hạt nhân Triều Tiên, bởi ảnh hưởng của Hàn Quốc đối với Mỹ và Triều Tiên đều có giới hạn. Phạm vi và mức độ điều chỉnh chính sách của Hàn Quốc đối với Triều Tiên cũng có giới hạn. Sự tiếp xúc, đối thoại liên Triều cũng không thể nhanh chóng thay đổi hiện thực đối lập về điều kiện xã hội và quân sự giữa hai bên. 
Hơn thế nữa, dù chính quyền Moon Jae-in muốn đẩy mạnh tiếp xúc với Triều Tiên song Seoul cũng khó lòng viện trợ Triều Tiên một cách thực chất, bởi Seoul không thể đơn phương nới lỏng hay gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chính quyền Triều Tiên cũng biết rõ nếu chỉ dựa vào “con bài Hàn Quốc” thì không đủ để làm thay đổi tình trạng khó khăn mà Triều Tiên đang đối mặt.
Thứ ba, để giải quyết triệt để vấn đề hạt nhân Triều Tiên, không thể chỉ phụ thuộc vào 3 nước Mỹ - Triều - Hàn. Vấn đề hạt nhân Triều Tiên là vấn đề an ninh mang tính khu vực của Đông Á, không chỉ là kết quả của trạng thái đối địch lâu dài giữa Mỹ và Triều Tiên mà còn là một bộ phận của kết cấu địa chiến lược phức tạp tại Đông Á.
Việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, hòa bình và ổn định của bán đảo này trong tương lai, cũng như tiến trình thống nhất hai miền sẽ đem lại thay đổi to lớn cho kết cấu địa chiến lược Đông Á, do đó tiến trình này cần phải phản ánh được lợi ích an ninh của các quốc gia có liên quan trong khu vực. 
Có thể nói, tiếp xúc, đối thoại liên Triều, hay đối thoại Mỹ - Triều đều chỉ là biện pháp chứ không phải là mục đích. Để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, các bên cần nhanh chóng tái khởi động Đàm phán 6 bên, bởi đây không chỉ là một cơ chế đa phương, mà còn là một nỗ lực hợp tác an ninh khu vực, nhằm điều phối lợi ích và mối quan tâm của các bên, nhằm thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và mang lại trật tự hòa bình cho khu vực thông qua tìm kiếm phương thức quản lý an ninh mang tính khu vực. 
Tuyên bố chung được đưa ra hồi tháng 9/2005 của Đàm phán 6 bên đến nay vẫn là văn kiện mang tính nền tảng để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Học giả Chu Phong cho rằng chỉ có nhanh chóng tái khởi động Đàm phán 6 bên, các nước liên quan mới có thể chuyển hóa một cách sáng tạo tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên thành tiến trình phát triển hợp tác an ninh khu vực Đông Á.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục