Hướng tới xây dựng thương hiệu cho tôm Việt Nam

15:28' - 15/08/2016
BNEWS Ngày 15/8, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức hội nghị “Quản lý giống tôm nước lợ” với sự tham dự của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tôm từ 28 tỉnh, thành ven biển cả nước.
Các doanh nghiệp Việt quan tâm vấn đề xây dựng thương hiệu cho tôm Việt Nam. Ảnh: Vũ Sinh–TTXVN

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận xoay quanh các vấn đề về: chất lượng, tiêu chuẩn tôm giống; nghiên cứu con giống giúp chủ động nguồn giống trong nước; quy trình kiểm địch chất lượng giống tôm…
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội tôm Bình Thuận, thực tế cho thấy chất lượng con giống quyết định 70% sự thành công của người nuôi tôm thịt nên chất lượng con giống rất quan trọng đối với nghề nuôi tôm ở Việt Nam.

Tình trạng thu gom tôm giống tràn lan của các công ty tôm giống, khiến tôm giống ra thị trường không thể kiểm soát nguồn gốc, chất lượng đồng thời những bất cập trong quản lý thuốc hóa chất, thuốc thú y, thủy sản… đã ảnh hưởng rất nhiều đến người nuôi.

Vì vậy, Hiệp hội tôm Bình Thuận kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chú trọng đến công tác quản lý chất lượng tôm bố mẹ, nhất là khâu kiểm định, xét nghiệm bệnh. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp cần đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất tôm bố mẹ trong nước vì vừa giảm chi phí sản xuất vừa thích hợp với điều kiện, thổ nhưỡng, đảm bảo yếu tố lâu dài và bền vững.
Các đại biểu tham dự hội nghị cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đưa con tôm thành sản phẩm chủ lực quốc gia, từ đó đề ra những chiến lược hành động mang tính đột phá, xây dựng phát triển ngành công nghiệp tôm.

Các tỉnh ven biển, đặc biệt các tỉnh có sản xuất tôm giống cần có một quy trình chung thống nhất, liên kết trong việc sản xuất tôm nước lợ để nâng cao chất lượng tôm.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam hiện có tiềm năng rất lớn để phát triển con tôm.

Tuy nhiên, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, chưa phát triển chuỗi liên kết; doanh nghiệp ngành tôm phát triển nhanh nhưng chưa tập hợp thành tập thể vững mạnh, thiếu vùng quy hoạch nguyên liệu, thiếu chiến lược phát triển; khâu quản lý nhà nước còn nhiều bất cập… là những nguyên nhân khiến ngành nuôi trồng và sản xuất tôm chưa khai thác hết tiềm năng.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương, các cơ quan cần tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tất cả các khâu từ quy trình sản xuất con giống, nguồn thức ăn đến quản lý dịch bệnh…

Riêng các cơ sở sản xuất tôm, cần cải thiện môi trường sản xuất, rà soát lại quy trình tổ chức sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ từng bước nâng cao chất lượng con tôm. Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng quy hoạch, chiến dịch phát triển con tôm và ngành công nghiệp tôm hướng đế xây dựng thương hiệu con tôm Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong các mặt hàng nông thủy sản, tôm nước lợ là đối tượng nuôi trồng thủy sản quan trọng, có tiềm năng lợi thế để phát triển. Hằng năm diện tích thả nuôi tôm nước lợ của cả nước khoảng 680 nghìn ha.

Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng tôm nuôi nước lợ đạt 191 nghìn tấn, bằng 28% kế hoạch năm 2016. Sau ảnh hưởng của đợt hạn hán và xâm nhập mặn, đến nay điều kiện thời tiết đã có nhiều chuyển biến thuận lợi cho phát triển nuôi tôm.
Về sản xuất tôm giống, theo Tổng cục Thủy sản, tính đến tháng 6 năm 2016, cả nước có 1.750 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó có 1.200 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 510 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng.

Cả nước đã sản xuất được hơn 55 tỷ con giống, trong đó tôm thẻ chân trắng đạt gần 40 tỷ và tôm sú đạt hơn 15 tỷ con. Các tỉnh Nam Trung bộ là Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận là khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm của cả nước. Mỗi năm khu vực này đáp ứng khoảng 50% số lượng giống tôm nước lợ cho nhu cầu thả nuôi của cả nước.
Hiện nay với nhu cầu tôm giống khoảng 130 tỷ con, mỗi năm cả nước cần khoảng 230 nghìn con tôm bố mẹ sản giống. Với tôm sú bố mẹ thì nguồn giống được sản xuất trong nước và khai thác từ tự nhiên. Riêng tôm thẻ chân trắng thì giống chủ yếu được nhập khẩu từ Mỹ, Singapore, Thái Lan và Mexico.

Việc nghiên cứu tôm thẻ chân trắng trong nước đang có nhiều triển vọng khi cuối năm 2015, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản đã nghiên cứu được 4 đàn tôm có chất lượng tốt làm vật liệu cho việc phát triển tôm thẻ chân trắng bố mẹ trong nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục