Hút vốn ngoại vào bất động sản

14:31' - 01/09/2015
BNEWS Trước diễn biến thị trường tỷ giá tăng, vàng tăng, lãi suất tiết kiệm cả VND lẫn ngoại tệ đều thấp thì kênh đầu tư bất động sản được kỳ vọng sẽ trở nên hấp dẫn.

Chỉ một tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ, trên thị trường bất động sản ít nhiều đã có ảnh hưởng. Nhất vào thời điểm Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản đã có hiệu lực từ 1/7 với quy định cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

* Rót tiền cho bất động sản

Trước diễn biến thị trường tỷ giá tăng, vàng tăng, lãi suất tiết kiệm cả VND lẫn ngoại tệ đều thấp thì kênh đầu tư bất động sản được kỳ vọng sẽ trở nên hấp dẫn.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, công dân Việt Nam đang sống tại thành phố Muních (Đức) cho biết gia đình ông đang về nghỉ hè tại nhà bố mẹ đẻ ở quận Bắc Từ Liêm – Hà Nội và sẽ tìm hiểu chính sách này để sở hữu một căn nhà riêng tại Việt Nam.

Những người như ông Hưng trước đây muốn mua nhà thì phải nhờ người thân đứng tên hộ và trên thực tế đã có nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp khi “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” mà người nhờ đứng tên luôn nắm dao đằng lưỡi.

Cho dù chưa có nhu cầu ở thường xuyên nhưng chỉ cần bỏ ra số tiền khoảng 100.000 euro (quy đổi theo tỷ giá hiện tại xấp xỉ 2,5 tỷ đồng) là gia đình ông có thể sở hữu một căn hộ hai phòng ngủ tại khu vực ngoại giao đoàn – vị trí mà ông Hưng đang ngắm nghía. Với tỷ giá tăng như hiện nay, vị khách này cho rằng mình gặp may nếu mua nhà thời điểm này.

Phối cảnh khu Ngoại giao đoàn. Ảnh: TCT Xây dựng Hà Nội

Cùng chung quan điểm như ông Hưng, bà Nguyễn Hồng Thủy (Việt kiều Pháp) cho biết dự tính mua một căn hộ tại Hà Nội để cho thuê. Theo lập luận của bà Thủy, khoản tiền đầu tư bỏ ra không quá cao và số tiền này nếu gửi ngân hàng ở nước sở tại thì lãi suất vô cùng thấp.

Do năm nào cũng về Việt Nam thăm gia đình, bà Thủy đang tính theo hướng sẽ dành căn nhà này để cho các khách từ Pháp về Hà Nội chơi thuê lưu trú. Như vậy vừa giữ được nhà, chủ động được thời gian sử dụng mà hiệu quả kinh tế lại cao – bà Thủy chia sẻ.

Ông Marc Towsend - Tổng giám đốc CBRE Việt Nam nhận xét, Luật Nhà ở sửa đổi đã có hiệu lực và cho phép người nước ngoài có quyền sở hữu đa dạng đối với bất động sản cho nhiều mục đích khác nhau như cho thuê lại, thế chấp và thừa kế. Điều luật này áp dụng cho cả cá nhân và tổ chức nước ngoài cũng như quỹ đầu tư, ngân hàng và công ty. Đây được xem là động lực phát triển cho lĩnh vực nhà ở – nhất là tại phân khúc cao cấp – với mức đầu tư nước ngoài ước tính lên đến 10%.

Mới đây, trong bản tin thị trường quý II của một trong những công ty quản lý tư vấn bất động sản uy tín là CBRE Việt Nam đã đưa ra con số 112 căn hộ được bán cho người nước ngoài tại một trong những dự án lớn nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh. Minh họa con số thống kê này, hàng loạt dự án bất động sản cao cấp sau thời gian dài “bất động” nay đã “tỉnh giấc”. Phân khúc cao cấp chính là những sản phẩm được các đối tượng khách hàng là người nước ngoài và Việt kiều hướng tới.

​Tuy nhiên, trên thị trường, khu vực phía Nam vẫn được đánh giá là “thông thoáng” và dễ hấp dẫn hơn trong việc thu hút “khách ngoại” mua nhà, khác với vẻ dè chừng của thị trường Hà Nội.

​* Nhộn nhịp thị trường chuyển nhượng

​Cũng theo ông Marc Towsend (Tổng giám đốc CBRE Việt Nam), Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực còn tác động đến cả hoạt động đầu tư thương mại nước ngoài tại Việt Nam. Người nước ngoài hiện đang có tâm lý lạc quan vào thị trường bất động sản thương mại.

Đáng chú ý là việc các công ty niêm yết có vốn sở hữu 100% của nước ngoài không thuộc lĩnh vực nhạy cảm sẽ được phép hoạt động từ 1/9. Điều này sẽ giúp đẩy mạnh hoạt động thu mua bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu chiến lược kinh doanh.

Đặc biệt, việc cho phép các tổ chức nước ngoài được mua lại văn phòng, cơ sở sản xuất và các tài sản khác phục vụ mục đích kinh doanh và cũng cho phép chuyển nhượng dự án bất động sản chưa hoàn thiện cho nhà đầu tư để tiếp tục phát triển cũng tạo một kênh thông thoáng mới.

​Trên thực tế, điều luật mới được kỳ vọng mở rộng cửa cho những nhà kinh doanh nước ngoài có quyền sở hữu đầy đủ với các cơ sở sản xuất tại Việt Nam, nơi có chi phí vốn thấp hơn và chi phí nhân công rẻ hơn so với các nước láng giềng trong khu vực. Như vậy, hoạt động giao dịch của các nhà máy, kho vận, cơ sở hậu cần và khu công nghiệp cũng sẽ được đẩy mạnh.

Tận dụng tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công ty quốc tế đang muốn thu mua toàn bộ tài sản thương mại và phức hợp ở các thành phố lớn như Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội nhằm thiết lập cơ sở kinh doanh trong nước cũng như khu vực, đồng thời tiến hành các hoạt động thương mại, bán lẻ.

Ban lãnh đạo An Gia Investment giới thiệu dự án với đối tác nước ngoài. Ảnh: Thu Hà

​Hiện tại, người nước ngoài có tâm lý lạc quan vào thị trường bất động sản thương mại. Điển hình như Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc mới đây đã mua lại cổ phần kiểm soát của khu phức hợp bậc nhất Diamond Plaza tại trung tâm Tp. Hồ Chí Minh. Trong khi đó, Keangnam Landmark ở Hà Nội, tòa tháp 72 tầng cao nhất Việt Nam được định giá 770 triệu đô la Mỹ cũng đang được Ngân hàng Goldman Sachs và Quỹ đầu tư Qatar Investment Authority cân nhắc mua lại.

Khi các công ty niêm yết có vốn sở hữu 100% của nước ngoài không thuộc lĩnh vực nhạy cảm được phép hoạt động từ ngày 1/9 tới đây được dự báo sẽ giúp đẩy mạnh hoạt động thu mua bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu chiến lược kinh doanh.

Tại Việt Nam, hiện vốn đầu tư từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Hồng Kông đang là những nguồn vốn tích cực nhất trong lĩnh vực bất động sản. Tâm lý đầu tư này sẽ được thúc đẩy tốt hơn nữa khi họ cân nhắc về các thuận lợi trong những điều luật mới - ông Marc Towsend nhận xét.

​Các điều chỉnh về luật đã và đang tạo điều kiện thuận lợi và minh bạch hơn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài và chứng tỏ tiềm năng kinh tế lâu dài của Việt Nam. Những yếu tố cơ bản này, cùng với chi phí bất động sản tương đối thấp và lợi nhuận cho thuê cao hiện là bước chuyển mình thuận lợi của Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư bất động sản quốc tế.

Tuy nhiên, các nhà quản lý cũng như chuyên gia bất động sản cho rằng hiệu lực và tính thông thoáng của Luật đã rõ nhưng thực tế sự hấp thụ của thị trường này còn tùy thuộc vào tính đồng nhất của các thủ tục hướng dẫn đi kèm./.

Thu Hằng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục