Hy Lạp đã cơ bản hoàn thành yêu cầu cải cách của các chủ nợ

21:09' - 08/05/2016
BNEWS Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố Hy Lạp về cơ bản đã đạt được những yêu cầu cải cách mà các chủ nợ đề ra trước đó và khẳng định các đối tác của nước này trong Khu vực Eurozone.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker. Ảnh: THX/TTXVN

Trả lời phỏng vấn tờ báo Funke Mediengruppe của Đức, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tuyên bố Hy Lạp về cơ bản đã đạt được những yêu cầu cải cách mà các chủ nợ đề ra trước đó và khẳng định các đối tác của nước này trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ bắt đầu đàm phán về phương án giảm nợ cho “xứ sở các vị thần”.

Các chủ nợ của Hy Lạp đang trong giai đoạn đánh giá đầu tiên về tiến trình cải cách kinh tế của nước này để đưa ra quyết định có tiếp tục triển khai đợt giải ngân tiếp theo trong khuôn khổ gói cứu trợ trị giá 86 tỷ euro (95 tỷ USD) được thông qua hồi tháng Bảy năm ngoái với Athens hay không.

Theo Chủ tịch Juncker, Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Eurozone (Eurogroup) sẽ nhóm họp tại Brussels vào ngày 9/5 tới để triển khai các bước tiếp theo của đợt đánh giá và khởi động vòng đàm phán về vấn đề nợ trong dài hạn của Hy Lạp.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos ngày 7/5 đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia Eurozone ủng hộ chương trình cải cách kinh tế của nước này, trong đó Athens đề xuất "thắt lưng buộc bụng" khoảng 5,4 tỷ euro và bỏ qua yêu cầu "tiết kiệm" bổ sung 3,6 tỷ euro của các chủ nợ. Quan chức này cũng đồng thời cảnh báo rằng Athens có thể sẽ đối mặt với nguy cơ vỡ nợ nếu các cuộc đàm phán trong tuần tới tiếp tục “mắc cạn” .

Quan chức Bộ Tài chính cho hay điều mà Athens cần lúc này là một lời tuyên bố rõ ràng từ phía châu Âu nhằm giúp giới đầu tư tin rằng Hy Lạp đã qua “cơn bĩ cực” và những rủi ro mang tính quốc gia của nước này đã không còn nữa.

Bất chấp nhiều tháng đàm phán kéo dài, đề xuất cải cách của Hy Lạp vẫn chưa được các chủ nợ thông qua, chủ yếu do những mâu thuẫn giữa Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) mà trong đó, IMF yêu cầu Athens thực hiện thêm nhiều biện pháp cải cách. Tổng Giám đốc IMF bà Christine Lagarde cũng cho rằng mục tiêu đạt thặng dư ngân sách sơ cấp 3,5% GDP vào năm 2018 mà Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras đề ra là quá lạc quan.

Trước đó, ngày 6/5, người dân Hy Lạp trên khắp cả nước đã tiến hành cuộc đình công kéo dài 48 giờ nhằm thể hiện sự tức giận đối với những cải cách về thuế và lương hưu mà chính quyền Athens sẽ tiếp tục thực hiện để đổi lấy gói cứu trợ trị giá hàng tỷ euro từ các chủ nợ quốc tế. Cuộc đình công, do các nghiệp đoàn thuộc khu vực công và tư nhân lớn nhất Hy Lạp kêu gọi, đã làm các tàu phải neo đậu tại cảng và ảnh hưởng đến giao thông công cộng.

Các nhà báo cũng tham gia cuộc đình công và các văn phòng chính quyền cũng phải đóng cửa. Nghiệp đoàn lao động lớn nhất Hy Lạp - nghiệp đoàn khu vực tư nhân GSEE cho biết những cải cách của chính phủ đang "bóp nghẹt" cuộc sống của người lao động và những người đã về hưu, những người đã phải hy sinh nhiều thứ sau sáu năm thực hiện các biện pháp "thắt lưng buộc bụng".

Cuộc đình công xảy ra giữa bối cảnh Quốc hội Hy Lạp đang chuẩn bị tiến hành bỏ phiếu để lấy ý kiến về những cải cách thuế và hệ thống lương hưu đang gây tranh cãi tại nước này vào ngày 8/5. Đề xuất cải cách này được đưa ra với hy vọng có thể mở đường để cuộc đàm phán giữa các chủ nợ châu Âu, mà cụ thể là cuộc họp của Eurogroup vào tuần tới tại Brussels, có thể chuyển sang "chủ đề" là cắt giảm nợ cho Hy Lạp.

Mặc dù các cuộc đình công của khoảng trên 7.000 người tại Athens đã phần nào khiến thủ đô của Hy Lạp tê liệt song Bộ trưởng Việc làm của nước này Georgios Katrougalos vẫn ủng hộ chính phủ tiến hành cải cách lương hưu và nhấn mạnh rằng quỹ hưu trí của nước này hiện thiếu hụt đến 2 tỷ euro.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục