Hy Lạp trong vòng vây

12:02' - 15/05/2016
BNEWS Hy Lạp, bị bủa vây trong cuộc khủng hoảng tài chính của chính họ, bị bất đắc dĩ phải trở thành người tiếp đón hàng vạn người di cư không mời mà đến.

Có điều gì đã thay đổi ở Hy Lạp gần một năm qua, sau khi đất nước của Athena và Apollon suýt vỡ nợ, trong một cuộc khủng hoảng tài chính lớn chưa từng có? Chẳng có gì thay đổi. Điều đó đồng nghĩa với việc đất nước này tiếp tục chìm trong suy thoái, và thậm chí có thể đứng trước nguy cơ vỡ nợ lần nữa.

Cuộc khủng hoảng di cư chưa giảm đi đang biến Hy Lạp thành một trại tị nạn khổng lồ. Ảnh: THX/TTXVN

Trong nhiều tháng qua, những dòng tin và phóng sự về số phận của hàng trăm nghìn người di cư tràn vào Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kì với mong muốn từ đó sang các nước Tây Âu cũng không thể che lấp được những nỗi lo lắng mới đang tiếp tục bủa vây Athens.

Khi áp lực của cuộc khủng hoảng di cư chưa giảm đi, biến nước này thành một trại tị nạn khổng lồ, thì những áp lực của cuộc khủng hoảng tài chính lại tăng lên, gần một năm sau khi Hy Lạp buộc phải tiến hành chính sách thắt lưng buộc bụng, tiến hành hàng loạt các cải cách theo yêu cầu của chủ nợ để đánh đổi việc được vay thêm những khoản tiền mới để thanh toán các khoản nợ cũ, bất chấp kết quả của cuộc trưng cầu dân ý trước đó.

Nhưng sau khi đã nhận ba gói trợ giúp tài chính trong 5 năm qua và chấp nhận thực hiện các cải cách đau đớn khác, Hy Lạp lại đứng trước nguy cơ vỡ nợ một lần nữa trong mùa hè này. Và cũng chẳng có gì ngạc nhiên, nếu cũng như năm ngoái, nguy cơ "Grexit" (Hy Lạp rời khu vực đồng euro) lại xuất hiện.

Chật vật cải cách

Những chính sách cải cách liên quan đến cắt giảm ngân sách, cắt giảm lương hưu, tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng đang trên đà sụp đổ, tự do hóa thị trường năng lượng và tiến hành một loạt các chương trình tư hữu hóa mà Hy Lạp đã làm trong một năm qua là không đủ.

Hy Lạp không làm cho các chủ nợ hài lòng. Sự bất đồng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về thặng dư ngân sách của Chính phủ Hy Lạp cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc giải ngân gói cứu trợ mới trị giá 5 tỉ euro chưa thành hiện thực. Chính việc đó đã khiến họ cùng yêu cầu Hy Lạp phải có những biện pháp nhằm nâng tăng trưởng GDP trong năm nay lên 2% để ít nhất đạt thặng dư ngân sách cho tới năm 2018.

Và để làm hài lòng các chủ nợ, hôm 8/5, Quốc hội Hy Lạp lại thông qua một loạt chính sách thắt lưng buộc bụng mới, ngặt nghèo và nghiệt ngã hơn, giáng vào hệ thống lương hưu đang trở nên èo uột và mức thuế cao chưa từng có đã được áp dụng. Những cuộc biểu tình và xô xát với cảnh sát đã nổ ra ngay sau đó trên đường phố Athens.

Đó có thể mới chỉ là những phản ứng đầu tiên của một chuỗi các phản ứng tiêu cực tiếp theo từ dân chúng, những người đã bị bần cùng hóa với tỉ lệ thất nghiệp lên tới 25% và nền kinh tế bị co lại 1/4 trong 5 năm qua, do đó, hiện đang ở tình thế không còn gì để mất.

Việc không thể trả được nợ có thể dẫn đến việc tiếp tục trì hoãn trả lương cho người lao động và lương hưu, đào sâu thêm cái hố ngăn cách giữa chính phủ với dân chúng, từ đó dẫn đến khả năng sụp đổ của chính phủ và một cuộc tổng tuyển cử mới.

Hiện uy tín của Thủ tướng Alexis Tsipras và đảng Syriza của ông đang ở mức rất thấp. Ảnh: Reuters

Hiện uy tín của Thủ tướng Alexis Tsipras và đảng Syriza của ông đang ở mức rất thấp, trong khi liên minh cầm quyền chỉ có ưu thế 3 ghế hơn phe đối lập ở Quốc hội. Những tin tức rò rỉ từ trang web WikiLeaks cho thấy IMF đang muốn siết chặt hơn nữa Hy Lạp, buộc nước này phải tuân thủ các yêu cầu của họ trong việc thúc đẩy các cải cách kinh tế, đã càng làm cho tình hình trở nên căng thẳng và ngột ngạt.

Bà Christine Lagarde, người đứng đầu IMF, thậm chí đã từng đe dọa sẽ không tiếp tục cho Hy Lạp vay nữa, nếu các yêu cầu của chủ nợ không được đáp ứng. Athens, với một cuộc cải cách đang diễn ra nhưng chưa đem đến những kết quả mong đợi, và với một ngân khố đang dần cạn kiệt khi tới các hạn trả nợ, không mong đợi gì hơn là sự "thương xót" của IMF vào khả năng cho giãn nợ hoặc giảm nợ, những điều không dễ được chấp nhận.

Châu Âu nỗ lực tuyệt vọng

Những gì đã xảy ra trong những năm qua cho thấy, Hy Lạp đã trở thành một "con bệnh" thực sự của Châu Âu và sự suy sụp về tài chính của nước này đã ảnh hưởng không nhỏ đến EU. Mặc dù một số nhà kinh tế cho rằng, tác động của "Grexit" vào thời điểm này với Khu vực đồng euro sẽ không lớn so với khả năng xảy ra cách đây một năm, do lúc này EU đã có các biện pháp để hạn chế sự "lây lan" của khủng hoảng tài chính Hy Lạp, nhưng sẽ là một thảm họa với EU cũng như IMF nếu Hy Lạp không thể trả nổi khoản nợ tổng cộng đã lên tới hơn 300 tỉ euro.

Con số 86 tỉ euro, số tiền mà các chủ nợ đồng ý cấp cho Hy Lạp sau khi đạt được thỏa thuận với EU vào tháng 8 năm ngoái, được cho là vẫn chưa đủ để ổn định lại hệ thống tài chính đang trên đà sụp đổ. Dù khoản tiền này có thể cứu được các ngân hàng của Hy Lạp, nhưng nó không giải quyết được những vấn đề của nền kinh tế nước này, khi các biện pháp khắc khổ mới được thông qua được cho là càng khiến cho tình hình trở nên căng thẳng hơn.

Điều đáng chú là một nghiên cứu của Trường quản lí và công nghệ Châu Âu (ESMT) ở Berlin cho biết, trong số 220 tỉ euro được chuyển cho Hy Lạp vay kể từ khi nước này chìm trong khủng hoảng tài chính thì chỉ có 5% số tiền này, tương đương gần 10 tỉ euro, đến được tay Chính phủ Hy Lạp vì lợi ích của dân chúng nước này, 95% còn lại, tương đương với 210 tỉ euro đã chạy từ các chủ nợ đến Hy Lạp nhưng sau đó lại quay trở lại để cứu các ngân hàng Châu Âu.

Đơn giản là vì Hy Lạp đã sử dụng các khoản vay đó để trả các món nợ đã đến hạn, và số tiền lẽ ra phải được bơm vào nền kinh tế đã không được sử dụng. Nhật báo Handelsblatt của Đức cho rằng, tiền cứu trợ mà EU và IMF dành cho Hy Lạp thực ra là để cứu các ngân hàng và chính các chủ nợ chứ không phải là để cứu Hy Lạp.

"Trong 6 năm qua, Châu Âu đã cố gắng trong tuyệt vọng để cứu Hy Lạp bằng các khoản vay và liên tục đòi hỏi các biện pháp hà khắc và cải cách mạnh hơn nữa. Vấn đề của sự thất bại này không nằm ở phía Hy Lạp, mà ở việc lên kế hoạch cho các chương trình cứu trợ", tờ báo viết.

Câu chuyện này xem ra thật kì quặc, nhưng đấy lại là sự thật. Hy Lạp, bị bủa vây trong cuộc khủng hoảng tài chính của chính họ, bị bất đắc dĩ phải trở thành người tiếp đón hàng vạn người di cư không mời mà đến, có lẽ chẳng bao giờ thoát khỏi những điều đen tối mà họ đang trải qua từ gần 10 năm nay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục