Hy Lạp trước nguy cơ lặp lại kịch bản mùa Hè 2015

11:53' - 05/05/2016
BNEWS Các nỗ lực của Hy Lạp nhằm đạt thỏa thuận với các chủ nợ về một chương trình cắt giảm chi tiêu để tiếp tục được giải ngân một khoản vay mới vẫn chưa có kết quả.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. Ảnh: Reuters

Đã sáu tháng kể từ khi Hy Lạp khởi động các nỗ lực nhằm đạt thỏa thuận với các chủ nợ về một chương trình cắt giảm chi tiêu để tiếp tục được giải ngân một khoản vay mới trong khuôn khổ gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro dành cho nước này. Thế nhưng, cho đến nay, các nỗ lực này vẫn chưa có kết quả.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính các nước Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) dự kiến diễn ra vào ngày 28/4 vừa qua đã bị hủy bỏ. Sau cuộc trao đổi qua điện thoại giữa Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, yêu cầu của Athens về việc triệu tập một cuộc họp thượng đỉnh các nước thuộc Eurozone đã bị bác bỏ.

Chủ tịch Tusk chỉ tuyên bố rằng một cuộc họp của nhóm các Bộ trưởng Tài chính Eurozone sẽ diễn ra trong những ngày tới để tránh xảy ra tình trạng không rõ ràng về tình hình Hy Lạp.

Theo đánh giá của báo Le Monde (Pháp), tất cả các điều kiện cho một cuộc khủng hoảng mới ở Hy Lạp đã tương đối đầy đủ: các cuộc đàm phán kéo dài chưa có kết quả, trong khi thời điểm Hy Lạp phải trả nợ cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang tới gần.

Theo nhận định chung, vào tháng Bảy, Athens ít có khả năng thanh toán được khoản nợ nếu không nhận được khoản vay bổ sung. Giữa năm 2015, Hy Lạp đã đứng trước nguy cơ buộc phải rời Eurozone vì những lý do tương tự.

Vài tuần nay, nhiều quan chức cấp cao của một số nước thành viên đã liên tục khẳng định sẽ không để lặp lại kịch bản trên, vào thời điểm mà Liên minh châu Âu (EU) cùng lúc phải gồng mình trước nhiều cuộc khủng hoảng, từ vấn đề người di cư tới cuộc chiến chống khủng bố, hay sự nổi lên của làn sóng dân túy.

Các nước đều muốn giải quyết “vấn đề Hy Lạp” trước tháng Sáu để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh ra đi hay ở lại EU, nhưng vẫn giữ thái độ kiên quyết.

Từ nửa tháng nay, các chủ nợ yêu cầu Hy Lạp phải tiết kiệm thêm khoảng 3,5 tỷ euro (tương đương 2% GDP). Khoản này không được đề cập trong Bản ghi nhớ, đồng thời là một trong những điểm then chốt đang gây bất đồng trong cuộc thảo luận hiện nay.

Chương trình cải cách này sẽ chỉ phải thực hiện nếu như tình hình tài chính của Hy Lạp không đáp ứng được các mục tiêu mà chủ nợ yêu cầu là thặng dư ngân sách sơ cấp 3,5% GDP vào năm 2018.

Nhưng Athens nhấn mạnh luật pháp nước họ không cho phép làm luật dựa trên giả thuyết, đồng thời đề xuất đưa vào thực hiện cơ chế cắt giảm ngân sách tự động trong trường hợp nước này có nguy cơ bị thâm hụt.

Người phát ngôn chính phủ, Olga Gerovassili, đã cáo buộc IMF đang “đặt ra những yêu cầu có thể phá vỡ những nỗ lực của Chính phủ Hy lạp và các thiết chế châu Âu”.

Trên thực tế, Thủ tướng Hy Lạp khó có thể đi xa hơn vì phản ứng mạnh mẽ trong nội bộ đảng cánh tả cầm quyền Syriza. “Phong trào 53”, một cánh chính trị trong đảng do Bộ trưởng Tài chính Euclide Tsakalotos đứng đầu, phản đối các biện pháp không nằm trong Bản ghi nhớ.

Nếu không có 14 phiếu của các nghị sỹ thuộc nhóm này, chính phủ sẽ bị mất thế đa số trong Quốc hội (liên minh cầm quyền chỉ chiếm đa số 153 trên 300 đại biểu).

Do đó, tranh cãi gay gắt với các chủ nợ đang làm dấy lên những đồn đoán về một kịch bản bất ổn chính trị: cải cách chính phủ, bầu cử sớm, thậm chí trưng cầu dân ý.

Chính phủ đã lên tiếng bác bỏ nhưng đang đặt dưới sức ép rất lớn, trong bối cảnh đảng đối lập Phong trào Dân chủ mới giành được chỉ số tín nhiệm ngày càng cao trong các cuộc thăm dò dư luận.

Gói tiết kiệm ngân sách được coi là một bảo đảm nhằm trấn an nhóm các chủ nợ, một bên là ECB, ESM, EC, và bên kia là IMF, thiết chế từ giữa năm 2015 đã do dự không muốn tiếp tục hỗ trợ Hy Lạp.

Về phía các chủ nợ, nhiều phát biểu đã giảm nhẹ mức độ của vấn đề. Một nguồn tin nhận định vấn đề cần giải quyết liên quan đến các chương trình cải cách rất phức tạp, vì thế cần có thêm thời gian.

Thế nhưng, nghi ngờ vẫn gia tăng nếu như các chủ nợ tiếp tục giữ thái độ cứng rắn, nhất là về triển vọng giảm khối nợ khổng lồ của Hy Lạp, ước tính lên tới 180% GDP.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục