IIB sẽ tăng cường tài trợ thương mại hỗ trợ phát triển của Việt Nam.

21:43' - 04/12/2015
BNEWS Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB) tham gia tài trợ nhiều dự án lớn về cơ sở hạ tầng, năng lượng… và dự kiến sẽ tăng cường tài trợ thương mại hỗ trợ phát triển hợp tác kinh tế đối ngoại của Việt Nam.
 Hội nghị Hội đồng lần thứ 104, kỷ niệm 45 năm thành lập IBB và Diễn đàn kinh doanh với chủ đề “Việt Nam - Cơ hội toàn cầu cho phát triển địa phương bền vững”. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Ngày 4/12, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB) tổ chức Hội nghị hội đồng lần thứ 104 của Ngân hàng IIB và Diễn đàn kinh doanh với chủ đề “Việt Nam – cơ hội toàn cầu cho phát triển địa phương bền vững”.

Diễn đàn gồm 2 phiên thảo luận về “Thúc đẩy tăng trưởng thông qua hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa” và “Đối tác quốc tế cho phát triển vùng tại Việt Nam”.

Sự kiện thu hút mối quan tâm lớn của gần 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình nhận định, sau 45 năm hoạt động, từ một ngân hàng phát triển đa phương quy mô nhỏ, ngày nay IIB đã trở thành một tổ chức tài chính quốc tế phát triển hiện đại phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Trong tương lai gần, với những nỗ lực và quyết tâm cao như hiện nay của IIB sẽ tạo nên những đổi mới căn bản và mạnh mẽ, đưa IIB phát triển lên một tầm cao mới.

Theo ghi nhận của nhiều đại biểu tới từ các nước thành viên IIB, IIB đã có nhiều nỗ lực cơ cấu lại mạnh mẽ để chuyển đổi trở thành một ngân hàng phát triển hiện đại phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, nhằm khôi phục vị thế và cải thiện quan hệ hợp tác với các nước thành viên.

Với những nỗ lực cải cách, IIB đã đạt được kết quả tích cực bước đầu về cơ cấu tổ chức, nhân sự và hoạt động. IIB đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao khi nâng xếp hạng tín nhiệm trong số các nhóm về đầu tư….

Đại diện cho Ngân hàng thế giới, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam cho rằng, IIB đã đạt được nhiều thành tựu và nỗ lực trong việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ trài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng….

IIB đã phát huy được vai trò, đồng thời khẳng định tốt vị thế định chế tài chính của mình trong việc hỗ trợ ngày càng tốt hơn khu vực kinh tế tư nhân, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của các quốc gia thành viên; trong đó có Việt Nam.

Với vai trò là một cổ đông thành viên tại IIB, Việt Nam đã gia nhập IIB từ năm 1977 với mức vốn điều lệ cam kết là 4,7 triệu Euro, tương đương 1,21% tổng vốn điều lệ thực góp của IIB.

Trong suốt quá trình quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và IIB, IIB đã phê duyệt cấp 15 triệu Euro tín dụng cho Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), đồng thời hiện đang hoàn tất thủ tục cho khoản vay 20 triệu USD cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để cho vay hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

IIB cũng tham gia tài trợ cho nhiều dự án lớn tại Việt Nam có liên quan tới lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng… và dự kiến sẽ tăng cường hoạt động tài trợ thương mại nhằm hỗ trợ phát triển hợp tác kinh tế đối ngoại của Việt Nam.

Trong đó, có việc đề xuất được phát hành trái phiếu tại Việt Nam và nguồn vốn huy động từ việc phát hành trái phiếu sẽ được sử dụng để tài trợ và đầu tư lại cho các dự án tại Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cam kết, Việt Nam sẽ luôn là thành viên tham gia tích cực và trách nhiệm vào các cuộc thảo luận của IIB, đồng thời ủng hộ tích cực đối với quá trình tái cơ cấu của IIB.

Về mặt tài chính, Việt Nam đã triển khai tích cực yêu cầu của IIB về vốn, đồng thời tham gia sâu vào quá trình tái cơ cấu và phát triển của IIB, nhằm mang lại lợi ích cho tất cả các thành viên tham gia tổ chức.

Liên quan tới Diễn đàn kinh doanh “Việt Nam – cơ hội toàn cầu cho phát triển địa phương bền vững”, Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhận định, hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang cơ cấu và sắp xếp lại tổ chức quá trình sản xuất kinh doanh và chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hiện đang đứng trước nhiều thách thức lớn từ hội nhập kinh tế quốc tế như vốn ít, công nghệ lạc hậu, trình độ tay nghề còn thấp, thông tin và hiểu biết về thị trường còn hạn chế, trình độ quản lý kinh doanh và quản trị doanh nghiệp còn yếu kém…

Mặt khác, không thể thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua việc cải cách thể chế kinh tế thị trường, cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh….

Đại diện phía Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam bày tỏ, để khơi thông dòng vốn tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ, từ quy định của Nhà nước, hệ thống thể chế thực thi đến các giải pháp hỗ trợ, tư vấn trong sản xuất, tìm kiếm thị trường... 

Bản thân doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần phải tự hoàn thiện, đổi mới cơ chế quản lý, điều hành doanh nghiệp, minh bạch hóa hoạt động, quản lý chặt chẽ dòng tiền kinh doanh để tự nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh.

IIB là tổ chức tài chính quốc tế thành lập năm 1970 trong khuôn khổ Hội đồng tương trợ kinh tế (khối SEV cũ), với các nước thành viên như Bungari, Hungari, Việt Nam, Cuba, Mông Cổ, Rumani, Nga, Séc và Slovakia. Nhiệm vụ chính của IIB là cho vay trung và dài hạn phục vụ các chương trình dự án đầu tư tại các nước thành viên./.

Thạch Huê/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục