IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ Latinh trong năm 2017

06:32' - 26/01/2017
BNEWS IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe chỉ đạt khoảng 1,2% trong năm 2017, giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2016.

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ Latinh trong năm 2017. Ảnh: ips.lk

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá dù nền kinh tế khu vực Mỹ Latinh được thúc đẩy bởi nhu cầu cao của thị trường Mỹ nhưng vẫn gặp trở ngại từ việc lãi suất tăng và bất ổn xung quanh khả năng thay đổi chính sách thương mại và nhập cư của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Giám đốc phụ trách Tây Bán cầu của IMF, Alejandro Werner cho rằng các nước Mỹ Latinh có thể phải thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến do áp lực lạm phát.

Ông Werner chỉ ra viễn cảnh không chắc chắn đối Mỹ Latinh khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và kế hoạch của Tổng thống Trump về đàm phán lại các điều khoản trong Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), với Mỹ, Canada và Mexico là thành viên.

Quan chức này cho rằng khi Mỹ rút khỏi TPP, khu vực này mất nhiều yếu tố tích cực và cần phải theo dõi tình hình NAFTA.

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế lớn tại Mỹ Latinh, trong đó Mexico là quốc gia mà tổ chức này hạ nhiều nhất triển vọng tăng trưởng trong năm 2017, từ 2,3% xuống còn 1,7%. Trên trang mạng của IMF, ông Werner đánh giá "nền kinh tế Mexico hiện đang bước vào giai đoạn khó khăn".

Tổ chức tài chính lớn nhất thế giới cũng dự báo kinh tế Brazil chỉ tăng trưởng 0,2% trong năm nay, hạ so với mức 0,3% đưa ra trong tháng 10. Đối với Argentina, nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh, tốc độ tăng trưởng trong năm nay vào khoảng 2,2%, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

Tuy nhiên, IMF cũng cho rằng kinh tế Argentina sẽ phục hồi do mức lương cao hơn sẽ khuyến khích tiêu dùng, và nhu cầu hàng hóa từ thị trường nước ngoài cao thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư công tăng.

Bên cạnh các nền kinh tế lớn ở khu vực, ông Werner nêu bật chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt được Chính phủ Colombia áp dụng đã giúp thâm hụt tài khoản vãng lai nước này giảm nhanh hơn dự kiến và Colombia sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 2,6% trong năm 2017.

GDP của Chile và Peru sẽ tăng tương ứng 2,1% và 4,3%, cao hơn mức trung bình trong khu vực, nhờ giá nguyên liệu, đặc biệt là đồng, tăng cao. Ngược lại, Venezuela sẽ tiếp tục chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế với tình trạng siêu lạm phát và dự báo tăng trưởng sẽ ở mức âm 6% trong năm 2017.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục