Indonesia gia nhập TPP: Nói dễ hơn làm

07:25' - 11/11/2015
BNEWS Indonesia từ lâu vẫn thận trọng với các FTA, nhất là với những hiệp định có mức độ tự do hóa cao như TPP. Tuy nhiên, với việc Việt Nam đã tham gia TPP, có vẻ như Jakarta đã thay đổi quan điểm.
Cuộc họp báo thông báo kết thúc đàm phán TPP. Ảnh: TTXVN

Với thế mạnh xuất khẩu chủ yếu là tài nguyên thiên nhiên, Indonesia từ lâu vẫn thận trọng với các thỏa thuận thương mại tự do. Vì vậy, Jakarta hiện đang ưu tiên cho các cuộc thương lượng về hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hơn là hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do mức độ tự do hóa thương mại của RCEP thấp hơn nhiều so với TPP. 

Tuy nhiên, với việc Việt Nam và ba nước thành viên khác của ASEAN đã tham gia TPP, có vẻ như chính quyền của Tổng thống Joko Widodo đã bắt đầu thay đổi quan điểm. 

Động lực của ông Widodo

Phát biểu trong chuyến thăm Mỹ hồi cuối tháng 10/2015, Tổng thống Widodo đã bày tỏ ý định đưa Indonesia gia nhập TPP. Ông nói: “Chúng tôi là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, và Indonesia có ý định gia nhập TPP”.

Tổng thống Widodo hội đàm với người đồng cấp Barack Obama trong chuyến thăm Mỹ hồi cuối tháng 10/2015. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới phân tích cho rằng sự thay đổi có thể xuất phát từ việc Jakarta lo ngại nếu không tham gia TPP, Indonesia sẽ bất lợi khi cạnh tranh với các đối thủ ở Đông Nam Á đã tham gia TPP. Trong phát biểu gần đây, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Thomas Lembong đã từng bày tỏ quan ngại rằng Indonesia có thể tụt hậu so với các nước láng giềng đã gia nhập TPP như Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam. 

Chẳng hạn, trong lĩnh vực dệt may, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Indonesia khi chiếm tới 36% trong tổng kim ngạch dệt may của nước này trong năm 2014. Tuy nhiên, sau khi TPP bắt đầu có hiệu lực, con số này sẽ thay đổi bởi vì, Mỹ sẽ dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với mặt hàng dệt may có xuất xứ từ Việt Nam và Malaysia.

Bên cạnh đó, kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 10/2014 đến nay, ông Widodo vẫn chưa tạo dấu ấn đáng kể nào trong khi các đời tổng thống trước đều để lại những dấu ấn nhất định. Gần đây nhất, người tiền nhiệm của ông Widodo là Susilo Bambang Yudhoyono đã đưa nước này gia nhập Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20). Đáng chú ý, Indonesia hiện là thành viên duy nhất trong ASEAN tham gia G20. Vì vậy, không loại trừ khả năng Tổng thống Widodo sẽ tạo dấu ấn bằng cách đưa Indonesia gia nhập TPP.

Việc tạo ra dấu ấn riêng sẽ càng trở nên quan trọng hơn đối với Tổng thống Widodo trong bối cảnh ông đang lép vế trước cựu Tổng thống Megawati Sukarnoputri trong Đảng Dân chủ-Đấu tranh Indonesia (PDI-P) cầm quyền.

Bà Megawati là con gái của ông Sukarno – vị tổng thống đầu tiên ở Indonesia. Bà chính là người sáng lập ra PDI-P và đang giữ chức chủ tịch đảng này. Hôm 15/10, bà Megawati đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh. Một ngày sau đó, các doanh nghiệp quốc doanh hai nước đã ký kết hợp đồng thành lập liên doanh để xây dựng tuyến đường sắt cao tốc trên đảo Java của Indonesia. Giới quan sát cho rằng bà Megawati đã đóng góp lớn cho sự ra đời của liên doanh này.

Ngoài ra, theo các chuyên gia phân tích, thúc đẩy các cuộc cải cách kinh tế vẫn đang ì ạch ở trong nước có thể là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Tổng thống Widodo muốn đưa Indonesia gia nhập TPP.

Chông gai vẫn ở phía trước

Mặc dù Tổng thống Widodo đã bày tỏ mong muốn đưa Indonesia gia nhập TPP nhưng theo giới phân tích, đây không phải là một công việc dễ dàng đối với chính trị gia này, nhất là khi chủ nghĩa dân tộc về kinh tế đã bám rễ sâu ở “quốc gia vạn đảo” này.

Trong báo cáo công bố gần đây, hãng định mức tín nhiệm quốc tế Moody's nhận định đường tới TPP của Indonesia có thể sẽ là một “con đường gập gềnh, cả ở trong nước và quốc tế”. Ông Widodo có thể “sẽ phải đối mặt với sự phản đối ở trong nước khi tiến hành các cải cách cần thiết để đáp ứng các điều kiện gia nhập TPP”.

Đáng chú ý, theo Moody’s, nếu tham gia TPP, Indonesia sẽ phải cho phép sự cạnh tranh lớn hơn trong lĩnh vực mua sắm công, giảm các hạn chế về sở hữu nước ngoài đối với hàng loạt các ngành, và xóa bỏ các hạn chế về xuất-nhập khẩu.

Trước hết, đối với vấn đề giảm bớt hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các ngành, điều này đòi hỏi phải có sự chấp thuận của Quốc hội. Tuy nhiên, chắc chắn ông Widodo sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục giới doanh nghiệp.

Chuyên gia Yose Rizal Damuri thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) dự báo ông Widodo sẽ vấp phải sự phản đối từ những ông trùm tư bản có định hướng trong nước. Vị chuyên gia này nói: “Trong suy nghĩ của các ông trùm tư bản này, tự do hóa thương mại là một sai lầm”.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia Damuri, bất cứ ai muốn đưa Indonesia gia nhập TPP có thể vấp phải sự phản đối từ nông dân, vốn là một lực lượng rất mạnh ở “quốc gia vạn đảo”.

Mặt khác, TPP hiện có 119 doanh nghiệp thuộc sở hữu trực tiếp của Nhà nước, với tổng giá trị tài sản lên tới 334 tỷ USD. Nếu tham gia TPP, Indonesia sẽ phải tiến hành cải cách khu vực doanh nghiệp quốc doanh để tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực mua sắm công. Tuy nhiên, chắc chắn Jakarta không muốn điều này.

Chuyên gia kinh tế Jonathan Pincus, Chủ tịch Quỹ Rajawali – một tổ chức tư vấn chính sách công của Indonesia, cho biết khu vực kinh tế quốc doanh ở Indonesia đang nhận được nhiều trợ cấp và có nhiều lợi thế ở thị trường này. Vì vậy, ở một mức độ nào đó, Indonesia vẫn tiếp tục ưu đãi cho các doanh nghiệp quốc doanh.

Ngoài ra, việc PDI-P là một trong những đảng theo chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ nhất ở Indonesia cũng gây không ít trở ngại đối với ông Widodo khi thực hiện ý định đưa Indonesia gia nhập TPP. Không loại trừ khả năng ông Widodo sẽ không nhận được hậu thuẫn trong nội bộ đảng cầm quyền về vấn đề này./.

Thanh Tùng/BNEWS-TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục