Indonesia huy động nguồn tài chính Hồi giáo để phát triển cơ sở hạ tầng

05:30' - 23/06/2017
BNEWS Indonesia tập trung huy động vốn từ rất nhiều nguồn khác nhau, trong đó có nguồn vốn từ Quỹ Tài chính Hồi giáo, để thực hiện tham vọng phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng khổng lồ.
Indonesia huy động nguồn tài chính Hồi giáo để phát triển cơ sở hạ tầng. Ảnh: Reuters

Xung quanh vấn đề này, báo “Jakarta Post” số ra mới đây có đăng bài phân tích của tác giả Primandanu Febriyan với tựa đề: “Indonesia huy động nguồn tài chính Hồi giáo để phát triển cơ sở hạ tầng”.

Theo bài viết, phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những yếu tố quan trọng nhất để đạt được các mục tiêu phát triển quốc gia. Trong những năm gần đây, Chính phủ Indonesia đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng như hệ thống đường cao tốc, bến cảng, hệ thống đường sắt, đặc biệt là việc ưu tiên phát triển nhà ở xã hội giá thấp, hệ thống điện giá thấp.

Nhu cầu kinh phí được phản ánh trong Kế hoạch phát triển trung hạn của Chính phủ Indonesia (RPJMN). Dựa trên RPJMN, các chuyên gia ước tính Indonesia sẽ cần đến 5.519 tỷ rupiah để phát triển cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 2015-2019.

Tuy nhiên, nguồn ngân sách nhà nước chỉ có thể cung cấp 2.216 tỷ rupiah (tương đương với khoảng 40% nguồn ngân sách cho các dự án phát triển này). Phần còn lại, Indonesia huy động từ ngân sách nhà nước đạt khoảng 545.000 tỷ rupiah (tương đương khoảng 10%); từ doanh nghiệp nhà nước đạt 1.066 tỷ rupiah (tương đương khoảng 20%) và từ khu vực tư nhân đạt 1.692 tỷ rupiah (tương đương khoảng 30%). 

Còn theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Indonesia cần ít nhất 450 tỷ USD để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong giai đoạn từ năm 2010 - 2020.

Với kinh phí hạn hẹp, Indonesia đối mặt với không ít khó khăn trong việc thực hiện các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng. Tình huống đòi hỏi nước này đổi mới nguồn tài chính. Cho đến nay, trong việc tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, Indonesia vẫn dựa vào nguồn vốn truyền thống từ ngân hàng. 

Do bản chất của tài sản cơ sở hạ tầng là dài hạn, trong khi các khoản vay từ ngân hàng là từ ngắn đến trung hạn, việc quá phụ thuộc vào các ngân hàng khi huy động tiền cho những dự án dài hạn là không phù hợp và tạo ra nguy cơ không đủ thời gian đáo hạn. Do đó, các nguồn tài chính thay thế là cần thiết để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng.

Trong bối cảnh này, nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng có thể được huy động bằng các kênh vốn khác nhau, có các cấu trúc và công cụ tài chính khác nhau. Do tính chất của các dự án cơ sở hạ tầng thông thường đòi hỏi nguồn tài chính quy mô lớn và dài hạn, gần đây có nhiều ý kiến đề cập đến nguồn vốn trái phiếu Hồi giáo (hay còn gọi là sukuk).

Phương pháp huy động vốn thông qua sukuk đã trở thành một phần không thể tách rời của nền tài chính Hồi giáo và là trụ cột quan trọng để đáp ứng nhu cầu tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng.

Lĩnh vực cơ sở hạ tầng thực tế đã nhận được nhiều tiền từ quỹ sukuk trên phạm vi toàn cầu. Trong quá khứ, không chỉ các quốc gia Hồi giáo mà cả các quốc gia không phải là Hồi giáo đã khai thác thị trường sukuk để huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Chẳng hạn, năm 2013, Nigeria và Senegal đã nhận được các khoản đầu tư từ sukuk để phát triển cơ sở hạ tầng của mình. Vào năm 2014, Vương quốc Anh đã trở thành chính phủ phương Tây đầu tiên nhận được vốn từ sukuk để phát triển cơ sở hạ tầng.

Ngày càng có nhiều người công nhận rằng tài chính Hồi giáo có thể là giải pháp khả thi thay cho tài chính thông thường. Thị trường sukuk thực tế đã tiến hành nhiều hoạt động gây quỹ và đầu tư. Nguồn tài chính này phù hợp để bù đắp cho các khoản tài chính dài hạn và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng bền vững.

Đầu tư phát triển sở hạ tầng là chìa khóa để Indonesia đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững, trong đó nguồn tài chính Hồi giáo như sukuk có tiềm năng cung cấp một giải pháp thay thế cho các nguồn tài chính cơ sở hạ tầng thông thường.

Sự đóng góp của sukuk cho phát triển cơ sở hạ tầng của Indonesia mở ra những hướng mới như: Thứ nhất, sukuk có thể có phân khúc thị trường rộng hơn so với các sản phẩm thông thường vì nó nhắm mục tiêu đến cả các nhà đầu tư thông thường và đầu tư cho các quốc gia Hồi giáo (sharia).

Thứ hai, có rất nhiều doanh nghiệp nhà nước và các công ty con của họ. Doanh nghiệp nhà nước có thể đóng vai trò đáng kể vào thị trường sukuk của Indonesia để phát triển lớn hơn.

Đặc biệt là khi Chính phủ Indonesia đang tích cực khuyến khích phát triển cơ sở hạ tầng, trong trường hợp đó, các doanh nghiệp nhà nước có thể phối hợp cùng các quỹ phát hành sukuk để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ ba, việc phát triển cơ sở hạ tầng cần đến nguồn vốn dài hạn, do đó sukuk là công cụ thích hợp để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn vốn này sẽ không tạo ra bong bóng bất động sản bởi việc phát hành sukuk được đảm bảo bởi một tài sản thế chấp nhất định.

Cuối cùng, với chính sách ưu đãi, Chính phủ Indonesia đã ban hành Quy định số 11/2014 về OJK Levies, trong đó quy định lệ phí đăng ký chào bán ra công chúng với mức là 0,05% tổng số tiền phát hành hoặc tối đa là 750 triệu rupiah.

Đặc biệt đối với nguồn tài chính từ susuk, mức phí tối đa chỉ giới hạn là 150 triệu rupiah cho một lần phát hành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục