Iran cấm hoạt động giao dịch bằng tiền ảo

11:43' - 23/04/2018
BNEWS Ngân hàng trung ương Iran (CBI) vừa ra lệnh cấm tất cả các ngân hàng nước này giao dịch bằng tiền ảo, kể cả đồng bitcoin.
Iran cấm hoạt động giao dịch bằng tiền ảo. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Cơ quan thông tấn nhà nước Iran IRNA ngày 22/4 cho biết Ngân hàng trung ương Iran (CBI) đã ra lệnh cấm tất cả các ngân hàng nước này giao dịch bằng tiền ảo, kể cả đồng bitcoin, do lo ngại về vấn nạn rửa tiền, khi đất nước này đang nỗ lực ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tiền tệ. 
Dẫn một thông tư của CBI về một lệnh cấm đã được thông qua hồi tháng 12/2017, IRNA viết: “Các ngân hàng, thể chế tín dụng và cơ sở đổi tiền hay sàn giao dịch tiền tệ cần tránh mua hoặc bán những loại tiền đó, hay có bất kỳ hành vi nào để thúc đẩy những loại tiền ảo”. 
Ngân hàng trung ương Iran cảnh báo mọi đối tượng vi phạm các quy định mới đều bị phạt “dựa trên các luật lệ và quy định liên quan”. 
Trước đó, CBI chưa chính thức ban bố văn bản pháp luật cấm việc sử dụng tiền ảo mà mới chỉ cảnh báo người dân về các rủi ro tiềm tàng của những loại tiền này. 
Iran hồi tháng này đã chính thức hợp nhất tỷ giá hối đoái chính thức và tỷ giá trên thị trường mở, đồng thời cấm hoạt động đổi tiền ngoài ngân hàng, sau khi đồng nội tệ của nước này - đồng rial - hạ xuống mức thấp kỷ lục do những quan ngại về việc nước này sẽ bị tái áp đặt các lệnh trừng phạt. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/5 sẽ quyết định liệu có tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Tehran hay không. 
Theo Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký kết giữa Tehran và Nhóm P5+1 (gồm năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ cùng với Đức) ngày 14/7/2015, Tehran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt liên quan chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của nước này. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử kể trên và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt. Nhà lãnh đạo Mỹ yêu cầu soạn hiệp định bổ sung cho thỏa thuận hạt nhân với Iran, hoặc soạn thảo một cơ chế khác cho phép loại bỏ (bằng các hoạt động cụ thể của Tehran) sự quan ngại của Washington. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục