Iran khẳng định sẽ duy trì sản lượng khai thác dầu mỏ

06:29' - 24/04/2016
BNEWS Bộ Dầu mỏ Iran khẳng định nước này không tham gia kế hoạch "hạn chế" sản lượng chừng nào Tehran chưa khôi phục được mức khai thác như trước khi bị cấm vận.
Iran tuyên bố duy trì sản lượng khai thác dầu mỏ bằng giai đoạn trước khi bị cấm vận. Ảnh: ibtimes.com

Phát biểu ngày 23/4, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh tuyên bố cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong tuần qua tại Doha (Qatar) là một bước đi tích cực khi khởi động các cuộc thương lượng giữa các nước thành viên trong và ngoài OPEC, cũng như thể hiện với các nhà sản xuất dầu mỏ chính tại OPEC rằng nên có hành động để thay đổi tình hình.

Bộ trưởng Zanganeh cho biết sản lượng dầu mỏ của nước này đã tăng thêm một triệu thùng/ngày kể từ khi các biện pháp trừng phạt của quốc tế chống Iran được gỡ bỏ hồi tháng Một vừa qua. Theo ông, Iran sẽ tiếp tục tăng sản lượng cho tới khi giành lại thị phần đã mất do các biện pháp trừng phạt.

Mặc dù cuộc họp trong tuần qua tại Doha (Qatar) không đạt được mục đích đóng băng sản lượng dầu mỏ, Iran vẫn đánh giá đây là bước đi tích cực và khẳng định nước này sẽ ủng hộ mọi kế hoạch để ổn định thị trường.

Trước đó, trong cuộc họp ngày 17/4, các nước khai thác dầu lớn, trừ Iran, đã nhóm họp tại thủ đô Doha của Qatar để thảo luận về khả năng “giới hạn” sản lượng dầu thô nhằm vực dậy các thị trường dầu mỏ đang chao đảo và đẩy giá dầu lên cao, song đã không đạt được thỏa thuận về "giới hạn" sản lượng.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Saudi Arabia và Iran, hai cường quốc xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, đang có nhiều bất đồng sâu sắc. Bộ Dầu mỏ Iran khẳng định nước này không tham gia kế hoạch "hạn chế" sản lượng chừng nào Tehran chưa khôi phục được mức khai thác như trước khi bị cấm vận. Trong khi đó, Saudi Arabia tuyên bố sẽ không "giới hạn" sản lượng nếu Iran không có hành động tương tự.

OPEC đã hạ dự báo về sức tăng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới trong năm nay và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm. Giá dầu thô đã giảm khoảng 60% so với thời điểm giữa năm 2014 trong bối cảnh dư cung lớn mà một trong những nguyên nhân là do một số thành viên OPEC không chịu cắt giảm sản lượng.

Giá dầu sụt giảm khiến nhiều nước khai thác dầu mỏ bị thiệt hại hàng trăm tỷ USD, dẫn đến tình trạng thâm hụt ngân sách lớn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục