Italy bồi thường 630 triệu euro cho hơn 25.000 người bị bắt và giam "nhầm"

20:12' - 03/05/2016
BNEWS Việc "bắt nhầm" không chỉ gây tổn hại đến uy tín và hình ảnh của công lý tại Italy, mà còn khiến nước này chịu các thiệt hại về tài chính do phải bồi thường cho những người vô tội.
Italy bồi thường 630 triệu euro cho hơn 25.000 người bị bắt và giam "nhầm". Ảnh minh họa: ipi.freemedia.at

Theo nhật báo Italy "La Stampa" số ra mới đây, mỗi năm nước này có chừng 7.000 công dân bị bắt nhầm, bỏ tù và sau đó mới được trả tự do. Điều này cho thấy những "lỗ hổng" lớn trong các trình tự điều tra và tố tụng hình sự tại “đất nước hình chiếc ủng”.

Việc "bắt nhầm" khiến nước này chịu các thiệt hại về tài chính do phải bồi thường cho những người vô tội cũng như các chi phí liên quan khác trong quá trình điều tra.

Một thống kê của Bộ Tư pháp Italy cho hay, kể từ năm 1992, nước này đã phải bồi thường 630 triệu euro cho hơn 25.000 người bị bắt và giam "nhầm". Năm ngoái, số tiền này là 36 triệu euro, nhưng chỉ tính riêng trong ba tháng đầu năm nay, con số này đã là 11 triệu euro.

Tuy nhiên, theo luật sư Gabriele Magno, người đứng đầu Hiệp hội quốc gia Italy của các nạn nhân bị án oan, thì trung bình cứ bốn người bị "nhầm", mới chỉ có một người được bồi thường.

Do đó, theo La Stampa, việc cải cách hệ thống tư pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ các vụ xét xử, vốn kéo dài rất nhiều năm cho các vụ dân sự đơn giản, thường dài gấp rưỡi các nước EU khác, cũng như việc giảm thiểu các vụ bắt nhầm, đang trở thành một yêu cầu quan trọng đối với Italy trong thời điểm hiện tại.

Việc cải cách đó, cùng với những xung đột triền miên giữa hệ thống tư pháp và hành pháp của Italy trên nhiều vấn đề, đã gây ra những tranh luận trong nhiều năm trên các phương tiện thông tin đại chúng tại nước này.

Các cuộc tranh cãi nảy lửa nhất trong thời gian qua là việc liệu chính trị đã can thiệp sâu như thế nào vào hệ thống tư pháp, cũng như việc mở rộng hình thức sử dụng nghe trộm để điều tra các vụ án tham nhũng có liên quan đến các chính trị gia.

Theo bà Fabrizio Francabandera, người đứng đầu Tòa phúc thẩm của thành phố l'Aquilla, miền Đông Italy, thì ở đây đã từ lâu tồn tại sự lạm dụng việc bắt giữ trong các vụ án, coi đó như một biện pháp "ngăn ngừa". Do đó, nhiều người có nguy cơ bị giam giữ lâu trước khi được đưa ra xét xử và khi được chứng minh là vô tội, rất nhiều người đã bị giam trong tù hoặc quản thúc tại gia trong một thời gian khá dài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục