KDI: Triển vọng kinh tế Hàn Quốc vẫn khó khăn

16:28' - 04/08/2016
BNEWS Nền kinh tế lớn thứ tư châu Á khó có khả năng đạt được đà phục hồi trong thời gian tới trong bối cảnh xuất khẩu sụt giảm và sản xuất trì trệ.
KDI: Triển vọng kinh tế Hàn Quốc vẫn khó khăn. Ảnh: reuters

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) ngày 4/8 đã công bố báo cáo đánh giá hàng tháng về các điều kiện kinh tế của nước này, nhận định rằng nền kinh tế lớn thứ tư châu Á sẽ khó có khả năng đạt được đà phục hồi trong thời gian sắp tới trong bối cảnh xuất khẩu sụt giảm và sản xuất trì trệ làm lu mờ sự gia tăng khiêm tốn đạt được ở tiêu thụ trong nước.

Theo KDI, mặc dù nhu cầu trong nước có bước tăng trưởng liên tục, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ và đầu tư xây dựng, nhưng nền kinh tế Hàn Quốc có ít dấu hiệu về sự phục hồi tổng thể.

Hơn nữa, theo KDI, cải thiện nhanh chóng là điều khó đạt được trong bối cảnh chương trình cắt giảm thuế của chính phủ đã hết hạn và các nỗ lực tái cơ cấu doanh nghiệp đang bắt đầu cho thấy những ảnh hưởng tiêu cực.

Chương trình cắt giảm thuế của Chính phủ Hàn Quốc, vốn đã hết hạn vào ngày 30/6, góp phần làm doanh số bán xe ô tô trong tháng 6/2016 tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong thời gian đó, ngành dịch vụ cũng ghi nhận mức tăng trưởng 5,4% nhờ số du khách Trung Quốc gia tăng.

Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng cũng có bước cải thiện mạnh mẽ khi mà giá trị của các công trình xây dựng tăng 18,5% nhờ sự tăng trưởng liên tục trong lĩnh vực xây dựng dân sự.

Tuy nhiên, sản xuất của Hàn Quốc vẫn nằm trong tình trạng đình đốn do giá dầu vẫn ở mức thấp trong một khoảng thời gian dài và thương mại toàn cầu trì trệ.

Xuất khẩu giảm 10,2% trong tháng 7 và đây là mức giảm lớn nhất trong ba tháng qua, đánh dấu giai đoạn sụt giảm dài kỷ lục 19 tháng liên tiếp kể từ tháng 1/2015.

Sản lượng công nghiệp, vốn liên quan trực tiếp đến xuất khẩu của Hàn Quốc, chỉ tăng 0,8% trong tháng 6/2016 so với con số 5,4% được ghi nhận trong tháng trước đó, chủ yếu do tình trạng trì trệ trong lĩnh vực sản xuất ô tô.

KDI cũng nhận định rằng các nguy cơ sụt giảm như vậy sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Hàn Quốc trong những tháng tới, trong bối cảnh việc tái cơ cấu doanh nghiệp đang diễn ra trong các ngành hoạt động trì trệ như đóng tàu, có thể sẽ gây thêm sức ép cho thị trường lao động.

Theo KDI, trong bối cảnh chương trình giảm thuế đã hết hạn, nền kinh tế của Hàn Quốc trong nửa cuối của năm nay có thể phải chứng kiến sự sụt giảm trong doanh số bán các loại hàng sử dụng lâu dài và đầu tư vào các thiết bị vận tải, trong khi tỷ lệ thất nghiệp đã tăng tại các khu vực tập trung các doanh nghiệp đóng tàu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục